Bóng đá Việt thê thảm, VFF phải chịu trách nhiệm

Thứ sáu, ngày 14/12/2012 06:05 AM (GMT+7)
Dân Việt - Xét cho cùng, sự tiến hay lùi của một nền bóng đá phụ thuộc vào những người chèo lái. Dưới góc độ này, VFF không thể thoát ly trách nhiệm khi để bóng đá Việt rơi vào tình cảm thê thảm như hiện tại.
Bình luận 0

VFF không "chiêu hiền đãi sĩ"?

Nguyên Chủ tịch VFF nhiệm kỳ IV, ông Mai Liêm Trực từng có một câu nói để đời ở làng bóng Việt: “Mặt bằng (trình độ) VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”.

img
Bộ máy ban chấp hành VFF khá cồng kềnh nhưng ít người làm (và được làm) việc.
Ảnh: Minh Hoàng

Sau thời ông Trực, tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch VFF là ông Nguyễn Trọng Hỷ, kéo theo một bộ máy lãnh đạo mới. Dưới sự dẫn dắt của cái ê-kíp lãnh đạo này suốt 7 năm qua, “mặt bằng VFF” có được nâng cấp để đáp ứng việc điều hành, quản lý nền bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng?

Câu trả lời là "chưa" nếu như nhìn lại hàng loạt sự kiện và sự cố đã xảy ra ở làng bóng đá Việt trong những năm qua.

Câu trả lời là "chưa" nếu như nhớ lại cái bầu không khí câm lặng bao trùm lấy lãnh đạo VFF khi bị một ông bầu đăng đàn chỉ trích trực diện ngay tại cuộc họp tổng kết mùa giải 2011: “VFF hiện nay bao cấp hơn mọi thời kỳ bao cấp khác. Bộ máy phình to, chức năng, nhiệm vụ nói là rõ ràng lắm nhưng chẳng ai làm đúng và đủ chức năng của mình”.

Câu trả lời là "chưa" nếu như nhìn vào tình trạng thê thảm của bóng đá Việt lúc này!

Một bộ máy mà ngay cả điều hành giải đấu cụ thể như V.League hay giải hạng Nhất, còn bộc lộ những sai số và để xảy ra những sự cố, thì thử hỏi có đủ tầm để định hướng cả một nền bóng đá?

Một bộ máy với đủ đầy ban bệ vậy mà phải chấp nhận nhượng bộ các ông bầu để rồi dẫn tới sự ra đời của Công ty CP bóng đá chuyên Việt Nam (VPF)-mô hình bị nhiều chuyên gia đánh giá là “vừa đá bóng vừa thổi còi” bởi các ông bầu vừa “có ghế” trong VPF vừa có đội bóng dự giải do công ty này tổ chức và điều hành.

Mới đây nhất, trong cuộc mổ xẻ thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có đưa ra một nguyên nhân đầy chất “bi hài”: “VFF không có người làm công tác chuyên môn do anh Phạm Ngọc Viễn-Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, phải đầu tư quá nhiều tâm sức cho VPF trong vai trò Tổng Giám đốc. Đó là lý do không có ai theo sát trực tiếp quá trình chuẩn bị của đội tuyển”.

Là một tổ chức bóng đá, nhưng VFF lại thiếu người làm công tác chuyên môn, có lạ và có chua xót không?

Ông Dũng nói đúng sự thực nhưng chưa... đầy đủ. Không phải chỉ trong khoảng thời gian khoảng 1 năm qua, mà tình trạng thiếu người làm chuyên môn ở VFF đã kéo dài 6-7 năm, kể từ khi cựu danh thủ Lê Thế Thọ từ chức Phó Chủ tịch VFF sau SEA Games 2005!

Thậm chí so với các khóa trước, nhân sự VFF khóa V và khóa VI được coi là ít chất chuyên môn nhất.

Chủ tịch VFF đương nhiệm ông Nguyễn Trọng Hỷ xuất thân là dân bóng rổ. Bốn ông Phó Chủ tịch thì một người là dân kinh doanh (Lê Hùng Dũng), một người là thầy giáo (Nguyễn Lân Trung), một người mới được bầu bổ sung là quan chức Tổng cục TDTT (Phạm Văn Tuấn). Người còn lại giàu chuyên môn nhất là ông Phạm Ngọc Viễn thì giờ phải “đầu tư tâm sức” cho VPF.

Còn trước kia khi ở VFF, ông Phạm Ngọc Viễn cũng “khá im hơi lặng tiếng”. Và người ta có cảm giác, ông Phó Chủ tịch chuyên môn này không có “đất dụng võ” lẫn thực quyền khi xung quanh ông không có nhiều người “cùng mặt bằng”.

Nói về việc VFF quá thiếu người làm chuyên môn, cựu danh thủ Lê Thế Thọ chua xót: “Tôi đồng ý với việc lãnh đạo không cần chuyên môn tốt. Nhưng những lãnh đạo thiếu chuyên môn mà có tâm, họ sẽ chọn ra được những người có chuyên môn giỏi về giúp việc. Vấn đề là dường như VFF lại sợ những người có chuyên môn tới sẽ làm lộ ra cái dở, và họ sẽ không giữ được ghế”!

img
VFF thiếu người làm chuyên môn. Ảnh: Minh Hoàng

Mặc “con tạo xoay vần”

Cách đây 2 năm, kết thúc V.League 2010, Navibank.SG xếp thứ 13/14 và đáng ra đã xuống hạng. Nhưng cuối cùng, đội bóng này vẫn được đá play-off với đội hạng Nhất Than Quảng Ninh và sau đó trụ hạng. Tất cả là nhờ việc VFF căn cứ vào cái tiêu chuẩn “doanh nghiệp hóa” CLB để phân bổ cơ cấu lên-xuống hạng của mùa năm đó.

Lúc đó, VFF cứ một mực “ép” các đội phải chuyển đổi mô hình thành công ty bởi “như thế mới phù hợp với quy định về bóng đá chuyên nghiệp của LĐBĐ châu Á (AFC)”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đã phản biện, thực trạng bóng đá Việt Nam chưa cho phép áp dụng cái tiêu chuẩn đó một cách chóng vánh như vậy. Cũng có những người đã cảnh báo nguy cơ những công-ty-bóng-đá này sẽ vỡ khi các ông bầu không còn “sống khỏe” trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế. Nhưng VFF bỏ ngoài tai tất cả.

Để rồi lúc này khi V.League, giải hạng Nhất tan hoang, chẳng cần VFF phải xét “tiêu chuẩn”, cũng có đội sẵn sàng nhường suất chơi hoặc nói lời chia tay giải đấu. Thậm chí, giải đấu suýt trở thành…giải phong trào nếu như đề xuất của VPF về việc “khải tử” suất xuống hạng ở mùa tới, không bị gạt đi.

Thực tế đó chỉ ra rằng VFF quá thiếu tầm nhìn định hướng, cũng như rất máy móc, rập khuôn. Và giờ đây, khi các ông bầu đua nhau “chạy trốn” khỏi bóng đá, khiến các cầu thủ rơi vào tình trạng khốn đốn, nguy cơ thất nghiệp hàng loạt, thì có vẻ như VFF lại một lần nữa phó mặc cho “con tạo xoay vần”.

Bên lề Hội nghị ban chấp hành VFF hôm qua, ông Phó Chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng đã đề nghị báo chí nên chia sẻ, động viên các ông bầu để họ có thêm niềm tin vượt qua thời điểm khó khăn, thay vì lên án họ (?!).

Liệu có thể xem đề nghị của ông Dũng là một giải pháp “giải cứu” bóng đá Việt khỏi tình trạng hiện nay?

“Tôi thấy buồn cười quá. Nếu bảo dư luận thương các ông bầu thì ai thương CĐV bao năm qua mất tiền, mất thời gian mà vẫn phải chuốc lấy thất vọng về bóng đá nước nhà ở mọi cấp độ.

Ai thương bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng không lối thoát vì chính các ông bầu làm bóng đá với mục đích là quảng bá thương hiệu, phục vụ những mục tiêu cá nhân nằm ngoài bóng đá?”, bình luận của cựu HLV Vương Tiến Dũng có lẽ là câu trả lời.

Theo ông Vương Tiến Dũng, các ông bầu chỉ coi bóng đá như một phương tiện phục vụ những mục tiêu ngoài bóng đá của họ mà thôi. “Lẽ ra VFF phải hiểu điều đó hơn ai hết chứ. Nếu các ông bầu có tâm với bóng đá, họ đã bỏ tiền đầu tư đào tạo trẻ, hợp tác với nước ngoài, mời những người có chuyên môn tốt tới làm việc, chứ đâu có chuyện làm 1-2 năm, thỏa mãn mục đích rồi thôi.

VFF đã thả nổi, dựa quá nhiều vào đồng tiền của các ông bầu. Và khi chỗ dựa mất đi, thì mọi thứ sẽ sụp đổ”, ông Vương Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đụng chuyện là “bóng chuyền”?

Sau thất bại tại SEA Games năm ngoái, VFF dựa vào ý kiến của… Hội đồng HLV quốc gia để thanh lý hợp đồng trước thời hạn với HLV Goetz, trong khi việc chọn HLV này do VFF quyết.

Lúc đó, ông Lê Thế Thọ với tư cách thành viên Hội đồng HLV quốc gia, đã phát cáu khi được hỏi ý kiến có nên sa thải vị HLV người Đức hay không: “Có “điên” tôi mới nói. Điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhân sự ở Thường trực VFF, chứ “đánh” HLV Goetz cũng chẳng giải quyết được gì”.

Năm nay, sau thất bại AFF Cup 2012, người ta thấy HLV Phan Thanh Hùng đệ đơn từ chức và nhận được cái gật đầu lẹ làng của các sếp.

Thực tế thì quan chức VFF cũng nói rằng họ phạm sai lầm khi cho phép nhà cầm quân họ Phan kiêm nhiệm cả đội tuyển lẫn CLB. Thế nhưng cho tới lúc này, chưa có quan chức nào của VFF nhận trách nhiệm cụ thể về sai lầm mà họ mắc phải. Nói một cách nôm na là “nhận sai nhưng chưa ai từ chức”.

Hôm qua, ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có bảo: “Những người làm không tốt ở nhiệm kỳ này sẽ nghỉ. Các bạn cứ theo dõi, nếu người nào không tham gia ban chấp hành VFF kỳ tới thì nghĩa là người đó sẽ chịu trách nhiệm”.

Nghe ông Dũng nói lại nhớ tại cái “bản danh sách đen” cầu thủ thi đấu thiếu động lực ở AFF Cup 2012 mà ông đề cập: “Các bạn cứ theo dõi, nếu cầu thủ nào không được triệu tập lên tuyển ở đợt tới thì biết”.

Tại sao không công khai nếu thực sự có “bản danh sách đen” cầu thủ và bản danh sách nhưng người ở VFF làm không tốt ? “Các bạn cứ theo dõi”, còn quả bóng trách nhiệm cứ chuyền, không phải vậy chứ?

Kỳ 1: Bóng đá Việt biến loạn: Thảm kịch được báo trước

Kỳ 3: Bóng đá Việt thê thảm: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem