Những ngày qua, vụ việc thanh niên xăm trổ có lời lẽ thô tục, vạch quần phản cảm tại BOT Mỹ Lộc (đường tránh Nam Định) khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh hành động thiếu văn hoá của nam thanh niên, nhiều người còn chú ý về phản ánh bất bình của người phụ nữ.
Người phụ nữ trong clip, chị Phạm Thị Thủy (SN 1983, trú tại Hà Nội), bất bình vì không đi vào làn đường Tasco rải đường nên kiên quyết không mua vé qua trạm BOT Mỹ Lộc.
Chị cho rằng, chị đi vào làn trong cùng làn đường Sở GTVT Nam Định đầu tư từ nhiều năm trước bằng tiền ngân sách nhà nước chứ không sử dụng sản phẩm của Tasco nên mới từ chối trả tiền mua vé qua trạm. “Việc nhân viên thu phí chặn tôi lại đòi thu 30 nghìn là vô lý” – chị Thuỷ nói.
BOT Mỹ Lộc có đường chính dài 3,9km
Ông Nguyễn Trọng Phú - Trưởng phòng Kinh doanh (công ty Tasco6) cho hay, dự án BOT đường tránh Nam Định có chiều dài 4,45km, trong đó có 3,9km tuyến chính và 550m đường nhánh nối từ đường chính sang QL21A.
Ông Phú nói rõ, đối với 3,9km tuyến chính (từ vòng xuyến Big C đến trạm thu phí Mỹ Lộc), thời điểm UBND tỉnh Nam Định và Tasco ký hợp đồng đầu tư (tháng 7/2008) đường được thiết kế mỗi chiều 2 làn đường rộng 7,75m, vỉa hè mỗi bên rộng 6m, dải phân cách giữa rộng 20,5m.
Đến cuối năm 2010 đầu 2011 khi dự án BOT đang thực hiện cấp phối đá dăm thì tỉnh Nam Định dựa vào tính toán lưu lượng xe và nhận thấy đường hiện tại không đáp ứng được lưu lượng tăng lên rất nhanh nên cần phải mở rộng đường từ giải phân cách.
Do vậy, sau đó tỉnh có dự án mở rộng mỗi bên thêm 1 làn đường rộng 5m từ việc xén dải phân cách giữa bằng vốn ngân sách. Sở dĩ tỉnh đầu tư bằng vốn ngân sách là vì không thể đầu tư bằng BOT.
“Dự án BOT có thời gian thu phí hơn 17 năm, nếu đầu tư thêm 2 làn đường, tổng mức đầu tư sẽ tăng lên. Do vậy tỉnh Nam Định đã quyết định đầu tư bằng vốn ngân sách để giảm bớt gánh nặng tăng thêm thời gian thu phí dự án”, ông Phú nói.
Từ thực tế đầu tư nói trên, ông Phú cho rằng việc chủ phương tiện phản ánh không đi đường BOT mà đi vào làm đường ngân sách là không đúng. Bởi lẽ, đoạn vốn ngân sách chỉ rải thảm thêm 2 làn đường 2 bên từ xén dải phân cách giữa, còn toàn bộ nền đường tránh đều là vốn đầu tư từ dự án BOT.
Ngoài ra, những đoạn ngắt dải phân cách và 2 cầu trên tuyến tránh (cầu Ốc và cầu Thôn Thịnh) cũng đều là vốn đầu tư của dự án BOT phương tiện phải đi qua, nên không thể nói không đi qua đường BOT.
Đường nhánh BOT nối từ đường tránh ra QL21A dài 550 m. Đường có chiều rộng mặt đường 11m, lề đường mỗi bên 1m và được đặt trạm thu phí tại đây.
Về phản ánh đường chỉ có 4,45km nhưng mức phí thu 30.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ là quá đắt, ông Nguyện Trọng Phú cho rằng, đây là dự án làm mới hoàn toàn chứ không phải là nâng cấp, mở rộng và rải thảm như một số tuyến đường khác nên mức phí đưa ra phù hợp với phương án tài chính.
“Dự án có tổng mức đầu tư 478 tỷ đồng và với mức phí như hiện nay phải hơn 17 năm thì mới hoàn vốn được cho đầu tư” - Trưởng phòng kinh doanh Tasco 6 thông tin thêm.
Thu phí trước khi đường BOT đưa vào khai thác
Một vấn đề nữa được dư luận qua tâm là việc dự án BOT đường tránh Nam Định đưa vào sử dụng năm 2012 nhưng nhà đầu tư được thu phí tại trạm BOT Mỹ Lộc cũ trên QL21A từ năm 2009.
Theo ông Trịnh Xuân Nam, Giám đốc Tasco 6, trước đây QL21A có trạm thu phí Mỹ Lộc của nhà nước. Sau khi Quỹ bảo trì đường bộ ra đời, các trạm thu phí này cũng được bỏ dần.
Tuy nhiên, sau khi có dự án BOT đường tránh Nam Định, nhà nước cho phép chủ đầu tư tiếp tục thu phí tại trạm QL21A để hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh.
Đến năm 2012, sau khi dự án BOT hoàn thành đưa vào khai thác thì trạm thu phí cũ được chuyển sang đường tránh để tiếp tục thu hoàn vốn cho dự án.
“Sở dĩ trạm thu phí cũ được thu trước cho dự án BOT là để hoàn vốn sớm cho dự án, giảm lãi vay từ ngân hàng và không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án” – ông Nam giải thích thêm.
Vũ Điệp (VietNamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.