Brexit: Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng thế nào?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 25/06/2016 07:26 AM (GMT+7)
Dù nhận định việc Anh rời khỏi EU sẽ không có tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ có một chút “yếu tố tâm lý” tác động.
Bình luận 0

Tuy nhiên, một số ý kiến từ các chuyên gia độc lập đến từ các công ty chứng khoán thì vấn đề tỉ giá có thể sẽ ảnh hưởng lớn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo Công ty chứng khoán BIDV: Việc Anh chính thức rời EU sẽ tác động gián tiếp ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi dòng vốn đầu tư nước ngoài gián đoạn và đảo chiều.

“ Thị trường chứng khoán Việt Nam sáng 24.6 chìm trong sắc đỏ. Mặc dù tác động của Brexit đối với Việt Nam còn chưa được phân tích kỹ lưỡng nhưng tâm lý bi quan theo chứng khoán thế giới đã khiến nhà đầu tư đổ ra bán tháo và TTCK VN mất gần 75.000 tỉ. Dù vậy, đến gần cuối buổi chiều đã dần phục hồi lại và thị trường chỉ còn bốc hơi khoảng 30.000 tỉ”, chuyên gia này nói.

img

Xuất khẩu đồ gỗ có thể bị ảnh hưởng nhỏ từ việc Anh chính thức rời EU

Cũng theo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV, thị trường chứng khoán có thể sẽ bị tác động bởi các yếu tố trong nước hơn là các biến động thị trường thế giới.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho biết, việc thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi Brexit là do… yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Riêng đánh giá về những ảnh hưởng khác của Brexit đối với nền kinh tế, theo ông Hiển thì kim ngạch giữa các bên cũng chưa phải là lớn nên cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Thực tế, dù đà tăng trưởng song phương diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam (năm 2015).

Cụ thể, gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chủ yếu là các mặt hàng gia dụng như điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử… Tuy nhiên, ở nhóm mặt hàng này thì Việt Nam lại phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất đa quốc gia như: như Samsung, Sony... hơn là thỏa thuận thương mại ở cương vị quốc gia giữa Việt Nam với Anh. Vì vậy, việc Anh rời khỏi khối EU cũng không ảnh hưởng lớn.

Riêng với các mặt hàng xuất khẩu tiếp theo gồm hàng dệt may, giày dép, gỗ… thì tỉ trọng cũng không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng chủ lực nên ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng đến những doanh nghiệp chủ lực đang xuất khẩu mặt hàng này qua thị trường Anh và EU.

Về cán cân nhập khẩu, thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy tỉ trọng nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam nên tỉ trọng này cũng không gây ra biến động lớn bởi việc Anh rời khối EU.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác lại lo lắng việc Anh rời khỏi EU thì những thỏa thuận liên quan đến Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam sẽ phải bàn lại. Theo đó, do có rất nhiều thỏa thuận phức tạp nên việc đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU.

Trong khi đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, phía Tổng cục Thống kê cho biết việc Anh chính thức rời khỏi EU chỉ tác động mạnh đến EU, Mỹ, ngoài ra là các thị trường lớn ở Châu Á như Nhật Bản, Singapore, còn Việt Nam thì không bị ảnh hưởng nhiều vì Việt Nam chỉ đang quá trình hội nhập, chưa sâu và chưa rộng.

“Tất nhiên Brexit cũng có tác động nhất định đến kinh tế nước ta, nhưng hiện tại thì chưa thể đánh giá được”, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo thống kê, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008-2015, đạt mức kỉ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU. Riêng năm 2015, Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD và 1,7 tỷ USD trong năm tháng đầu năm 2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem