Đại sứ Trần Đức Mậu
Thứ ba, ngày 28/06/2022 09:59 AM (GMT+7)
Vì dịch bệnh ở Trung Quốc, cuộc gặp cấp cao lần thứ 14, năm nay do Trung Quốc đăng cai tổ chức, phải diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, sự kiện lớn năm nay của BRICS cho thấy các thành viên của khuôn khổ diễn đàn đã đưa BRICS gia nhập cuộc chơi lớn về chính trị thế giới.
BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS tồn tại từ 19 năm nay nhưng thật ra nặng về hình thức mà nhẹ trong thực chất như khuôn khổ diễn đàn G7. Kết quả cuộc gặp diễn ra ngay trước khi nhóm G7 cũng họp cấp cao ở Đức được thể hiện trong bản tuyên bố chung. Những nội dung ở đó không chỉ đơn thuần phản ánh quyết tâm của các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên mọi lĩnh vực trong khuôn khổ BRICS mà còn bao hàm những định hướng hợp tác được họ nhất trí với nhau cho thời gian tới.
Nhưng có lẽ điều thế giới bên ngoài quan tâm để ý đến nhiều nhất là BRICS như thế nào đối với chuyện chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine cũng như đối với cuộc đối đầu quyết liệt không kém hiện tại giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO và đồng minh.
Mỹ, EU, NATO và đồng minh tìm mọi cách để cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư.
Ở BRICS, chính sách này của họ hiện thất bại khi bốn nước kia vẫn ngồi vào cùng bàn với Nga chứ không tẩy chay Nga, lên án các biện pháp chính sách trừng phạt Nga chứ không hùa vào phe cánh của Mỹ, EU, NATO và đồng minh, vẫn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với Nga chứ không phong toả hay cấm vận Nga. Có thể nói BRICS hiện là một trong những chỗ dựa quan trọng của Nga khi buộc phải đối địch với Mỹ, EU, NATO và đồng minh.
BRICS không buông bỏ Nga trong khi phe kia hạ quyết tâm làm cho Nga lụi bại trên mọi phương diện, không thể thắng được mà chỉ có bị thua ở chiến trường Ukraine và rồi không còn có thể là đối thủ của họ nữa về chính trị an ninh thế giới. Phe kia muốn duy trì trật tự thế giới mà trong đó Phương Tây chiếm ưu thế nổi trội trong khi BRICS muốn hình thành trật tự thế giới khác mà ở trong đó Phương Tây đương nhiên không thể đóng vai trò chi phối và dẫn dắt.
Cho nên BRICS mới gần như trung lập trong cuộc đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh cũng như trong chuyện chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. BRICS không hậu thuẫn Nga về quân sự nhưng không gây khó cho Nga trên các phương diện khác. Đối với Nga, điều này có tác động và hiệu ứng thiết thực vô cùng quan trọng bởi đối tác ở thời khủng hoảng trong thực chất có giá trị không kém gì đồng minh chiến lược.
Cho nên Trung Quốc mới khởi xướng ý tưởng mở rộng khuôn khổ diễn đàn BRICS để BRICS trở thành một khuôn khổ diễn đàn đa phương thế giới thực thụ và khuôn khổ diễn đàn chung của nhiều đối tác khác nữa trên thế giới chứ không còn chỉ là của riêng 5 nước thành viên nữa. Nhóm G7 loại trừ Nga ra khỏi diễn đàn G8 và tìm cách loại Nga ra khỏi khuôn khổ diễn đàn G20 thì BRICS vẫn gắn kết với Nga và trù tính tới việc mở rộng đội ngũ thành viên.
Những bước đi tiếp theo đây của BRICS như thế nào tuỳ thuộc vào diễn biến và kết cục của cuộc chiến ở Ukraine trực tiếp giữa Nga và Ukraine cũng như cuộc đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và đồng minh. Hai cuộc xung đột này càng kéo dài thì Phương Tây nói chung và Mỹ, EU, NATO hay G7 và đồng minh càng khó khăn và khó xử.
BRICS sẽ lựa chiều diễn biến của thế sự mà xác định và vận hành những bước đi tiếp theo nhằm tới trật tự thế giới mới. Thực tiễn trên thế giới trong hơn 4 tháng qua cho thấy Phương Tây không dễ dàng tập hợp được lực lượng, triệu tập quần hùng trên thế giới đi theo Phương Tây. BRICS có cơ hội thực tế để phát triển trở thành khuôn khổ diễn đàn lớn với vai trò và ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cho nên Phương Tây phải tìm cách phân rẽ nội bộ BRICS, đặc biệt phân rẽ Ấn Độ và Nam Phi với Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong tư cách là chủ tịch đương nhiệm của G7 vì mục đích này của Phương Tây mới mời thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Nam Phi tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 diễn ra ở nước Đức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.