BTV tài năng của VTV là con của Nghệ sĩ Nhân dân từng giữ chức Thứ trưởng, hiệu trưởng một trường Đại học
BTV tài năng của VTV là con của Nghệ sĩ Nhân dân từng giữ chức Thứ trưởng, hiệu trưởng một trường Đại học
Thủy Vũ
Thứ tư, ngày 06/11/2024 06:35 AM (GMT+7)
Nhắc đến BTV Mỹ Linh của VTV, khán giả sẽ nhớ ngay tới nữ MC tài năng của chương trình Văn hóa - Sự kiện và Nhân vật. Chị còn được biết đến là con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL).
BTV Mỹ Linh từng thi vào khoa Biên kịch trường Sân khấu - Điện ảnh. Trong một bài phỏng vấn, chị từng chia sẻ: "Tôi mê sân khấu đến mức, mặc dù mẹ tôi bắt tôi học tiếp Piano tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng tôi đã "nổi loạn" bằng cách từ chối, kiên quyết thi vào khoa Biên kịch của Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đến giờ mẹ tôi vẫn hay trách, giá mà tôi chịu học nốt Piano sau 13 năm gian khổ, giờ có phải an nhàn hơn không, đi dạy học thôi cũng đủ sống. Đằng này tôi lao vào làm truyền hình, quần quật vất vả mà trong mắt mẹ tôi vẫn chẳng là cái gì".
BTV Mỹ Linh nổi tiếng với vai trò là người dẫn dắt của chuyên mục Văn hóa - Sự kiện và Nhân vật với sự sắc sảo và tình yêu văn hóa, nghệ thuật. Đam mê này được bắt nguồn từ việc đã có một người truyền cảm hứng, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong chị từ rất sớm… đó chính là người cha - Nghệ sĩ Nhân dân Đình Quang.
BTV Mỹ Linh là con gái của cố Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Đình Quang - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tâm sự về người cha quá cố, chị chia sẻ: "May mắn thứ nhất là tôi yêu bố mình. May mắn thứ hai là bố con tôi dân chủ trong chia sẻ, tranh luận. May mắn thứ ba, tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn mà tri thức luôn được đánh giá cao. Bạn bè bố tôi luôn đầy nhà, nói về đủ thứ chuyện liên quan đến nghệ thuật, văn chương, xã hội...".
BTV Mỹ Linh là gương mặt tài năng của VTV. Ảnh: FBNV
Nghệ sĩ Nhân dân Đình Quang là cây đại thụ của nền sân khấu Việt Nam
NSND Đình Quang sinh năm 1928 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ rồi trở thành diễn viên, giữ chức Trưởng đoàn kịch trung đoàn 77, Trưởng đoàn văn công Sư 325 tại mặt trận Bình Trị Thiên.
Ông là cánh chim đầu đàn của nền sân khấu nước nhà, được đào tạo bài bản về sân khấu tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp tục tu nghiệp bằng Tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Berlin, Đức.
Giáo sư Đình Quang cũng là hiệu trưởng đầu tiên của Phân hiệu kịch nói và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh với những học trò nổi tiếng như: NSND Trọng Khôi; NSND Doãn Hoàng Giang; NSND Đoàn Dũng; NSƯT Minh Ngọc; NSND Thế Anh; NSƯT Mỹ Dung; NSND Doãn Châu…
Ông cũng là nhà lý luận với những công trình như: Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn (1962); Kỹ thuật tâm lý diễn viên (1968); Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý (1978); Sân khấu tiểu luận (1975); Phương pháp sân khấu Becton Brech (1983); Bàn về sân khấu tự sự (1982); Sân khấu Việt Nam (1998)... là một nhà văn hóa với các công trình như: Còn văn hóa còn nhân loại; Văn hóa và sự phát triển nhân cách; Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới; Văn học nghệ thuật và sự hình thành phát triển nhân cách; Văn học nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội quá khứ và hiện tại...
Ông đã dàn dựng hàng chục vở diễn được khán giả yêu mến như: Hão; Bệnh sĩ; Đại đội trưởng của tôi… Ngoài diễn kịch, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ với những bài thơ nổi tiếng: Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ), Ta đi tới (Tố Hữu) và là tác giả của nhiều vở kịch kháng chiến như: Người anh (1947), Bên kia (1949), Lối vườn hoa (1950), Hạt vàng (1951), Khăn tang kháng chiến (1952)...
Trong công tác lãnh đạo, ông từng giữ các chức Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) từ năm 1984 đến năm 1993. Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 1993 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 3 năm 2007.
Ai đã từng được gặp và tiếp xúc với NSND Đình Quang sẽ đều có chung một cảm nhận về ông là người rất dễ gần, quan tâm đến những người xung quanh. Cả cuộc đời ông với nỗi trăn trở lớn nhất là làm sao để phát triển văn hóa - nghệ thuật nước nhà. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo công tâm, một người thầy mẫu mực và còn là một nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam ở cả bốn lĩnh vực: biểu diễn, đào tạo, lý luận phê bình và quản lý.
Mặc dù những đóng góp của ông quá rõ ràng để bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy nhưng không phải nhìn thấy tất cả. Ông có nhiều những đóng góp thầm lặng mà thế hệ sau này có lẽ không được biết đến. Ví như việc ông là người đầu tiên ra quyết định giữ nguyên kịch bản vở Tôi và chúng ta của tác giả Lưu Quang Vũ.
Chính nhờ có những người cấp tiến như ông mà ngày hôm nay, sân khấu nước nhà đang ngày một phát triển. Nhờ có ông mà những vở kịch hay đã đến được với công chúng. Trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu để tìm ra hướng phát triển cho nghệ thuật sân khấu nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung.
NSND Đình Quang trút hơi thở cuối cùng vào 0h đêm 12/7 tại Đà Nẵng để lại cho ngành văn hóa một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu, lý luận và nỗi tiếc thương vô hạn với người nghệ sĩ đa tài.
Với học thức và những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà, nghệ sĩ Đình Quang nhận học hàm Giáo sư năm 1984, nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.
Chia sẻ về tình yêu của cha với sân khấu, BTV Mỹ Linh từng bày tỏ: "Sân khấu là ngành nghệ thuật mà bố tôi yêu thích và cả đời theo đuổi, cống hiến. Khi tôi bé, tôi vẫn được nghe bố kể chuyện ngày xưa ông đã thành lập nhóm kịch để đi diễn ở các vùng quê ra sao, rồi sau này vào bộ đội ông bắt đầu sự nghiệp sân khấu của mình bằng những vở diễn trong kháng chiến thế nào. Tôi nghĩ, bố tôi không chỉ yêu sân khấu, nó là máu thịt của cuộc đời ông, cho ông thỏa mãn những giấc mơ, cho ông cơ hội được cống hiến và bộc lộ tư tưởng của mình với xã hội, với cuộc đời.
Nếu ai biết rõ về sự nghiệp sân khấu của bố tôi thì có lẽ đều biết những tác phẩm bố tôi đã dàn dựng hầu hết đều thống nhất bởi quan điểm đó. Bố tôi không có những tác phẩm giải trí, cũng không có những tác phẩm kịch sinh hoạt, những tác phẩm của ông hầu hết là chính kịch, mang nhiều tính phản biện xã hội, giàu tính triết học.
Từ Khăn tang kháng chiến, Tuổi 20, Tàn đêm, Bạch đàn liễu, Đại đội trưởng của tôi, Một đêm giông tố, Bệnh sĩ… cho đến vở diễn cuối cùng mà ông dàn dựng là Người tốt thành Tứ xuyên của Bertolt Brecht đều là như thế. Bố tôi cũng như nhiều nghệ sĩ sân khấu ở thế hệ của bố như nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Tào Mạt, Lộng Chương... là những thanh niên ở gia đình trí thức đi theo cách mạng. Khát vọng của họ là mong muốn xây dựng xã hội, chia sẻ tri thức với cộng đồng nên tác phẩm của họ hầu hết đều đi theo hướng đó.
Tôi ngưỡng mộ những nghệ sĩ cùng thế hệ bố tôi, với tôi, họ là những nghệ sĩ thực thụ. Họ làm nghệ thuật với thái độ của người trí thức, có trách nhiệm với xã hội. Có thể không phải tác phẩm nào của họ viết ra hay dàn dựng cũng là đỉnh cao nhưng ở đó không có sự dễ dãi tầm thường. Tôi yêu và kính trọng họ vì thế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.