Dù bị bệnh thế nhưng hàng ngày thầy vẫn không quên viết thư kêu gọi hỗ trợ cho các em. (Ảnh: Trần Hiền)
Dành tiền lương để… nuôi học trò
Đó là câu chuyện về tấm lòng vàng của thầy Trần Đăng Khoa – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, Gia Lai). Năm nay thầy Khoa 45 tuổi, đang mắc căn bệnh nan y “xơ cứng bì”. Bàn tay bị cứng, da tay khô khiến thầy không thể co, duỗi được mà chỉ cử động được các ngón tay.
Cùng với đó, hàm răng dưới của thầy cũng đã bị rụng hết do bị co thắt hàm. Hện tại thầy Khoa chỉ ăn được cháo và một số loại đồ ăn mềm. Thế nhưng, hàng ngày thầy vẫn miệt mài viết những lá thư kêu gọi hỗ trợ cho các học trò của mình.
Mặc dù bản thân bệnh tật, nhưng thấy các em học sinh lớp 1 đi lại vất vả, thường vắng mặt trong những giờ phụ đạo buổi chiều nên thầy Khoa quyết định dùng số tiền lương 10 triệu đồng mỗi tháng của mình xây bếp ăn và nơi nghỉ trưa cho các em tại trường. Mục đích để các em ở lại, học phụ đạo buổi chiều, khỏi phải đi lại đỡ vất vả.
Người thầy giáo dành hết lương của mình để lo cho học trò. (Ảnh: T.H)
Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hốc hác, song hàng ngày thầy vẫn hì hụi phụ giúp chị nuôi chuẩn bị bữa cơm trưa cho các học trò của mình.
Trải lòng với chúng tôi, thầy Khoa tâm sự: Ở đây 100% học sinh là người dân tộc Jrai nên việc giao tiếp hàng ngày cũng như công việc dạy học, duy trì sĩ số, công việc tưởng chừng đơn giản đối với các trường miền xuôi, lại thành rất khó khăn. Đặc biệt là với các em học sinh lớp 1, bữa trưa các em về nhà nên thường xuyên vắng những tiết phụ đạo buổi chiều. Do vậy, hôm sau đi học “chữ thầy lại trả cho thầy”.
"Chính vì vậy tôi đã lên ý tưởng về việc làm bữa ăn trưa ngay tại trường, để những tiết học phụ đạo buổi chiều của các em không bị gián đoạn", thầy Khoa chia sẻ.
Duy trì sĩ số bằng tình thương
Cùng là giáo viên nên vợ thầy Khoa hiểu được ý nghĩa công việc chồng mình đang làm. Mọi chi tiêu trong gia đình đều lấy từ lương của vợ thầy Khoa ra để lo toan. Còn tiền lương mỗi tháng gần 12 triệu, thầy dành ra 10 triệu đồng góp vào xây dựng bếp ăn buổi trưa cho các em học sinh lớp 1…
“Dường như bố mẹ các em cũng không quan tâm đến chuyện học hành của con cái, chỉ lo làm rẫy kiếm cái ăn. Vì vậy những năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng chương trình hai buổi cho các khối lớp 1, 2, 3 nhằm dạy phụ đạo, tăng cường dạy tiếng Việt cho các em. Với việc tổ chức ăn trưa, nghỉ trưa tại trường cho các em, công tác dạy và học phụ đạo buổi chiều tiến triển rất tốt. Trước mắt chúng tôi thực hiện với lớp 1 để cho các em nắm chắc kiến thức cơ bản trước, sau này có điều kiện sẽ mở thêm các lớp khác…”, thầy Khoa cho biết thêm.
Thầy Khoa vui mừng vì được tận tay đem những suất cơm đến với học trò của mình
Đầu năm học 2018 - 2019, ngay sau khi được Phòng GD&ĐT huyện Ia Pa đồng ý về bản kế hoạch của mình, thầy đã bỏ ra 40 triệu đồng để mua gạo, các vật dụng nhà bếp như chén, bát… Ngoài ra thầy đã tận dụng thư viện cũ để làm nơi nấu ăn cho các em. Còn nơi nghỉ ngơi, thầy Khoa đã nhờ thợ về cưa một số cây trong trường đóng luôn giường cho các em ngủ trưa…
Để duy trì bếp ăn theo hướng bền vững, ngoài việc trích mỗi tháng 10 triệu tiền lương của mình, thầy đã liên hệ với một số bạn bè bằng cách viết những lá thư để kêu gọi hỗ trợ gạo, thịt, sách, vở… cho những năm tới. Theo thầy Khoa, mỗi bữa ăn trưa của các em sẽ mất 500 nghìn, trung bình một tháng sẽ mất 15 triệu. Như vậy thầy sẽ bỏ ra 10 triệu, 5 triệu còn lại thầy kêu gọi được từ các nhà hảo tâm.
Hiện tại, qua những lá thư kêu gọi của thầy, các nhà hảo tâm đã ủng hộ gạo, tiền và dự kiến số tiền này cùng với 10 triệu đồng hàng tháng thầy bỏ ra sẽ duy trì bếp ăn đến năm 2020.
Thầy Khoa đã dành ra mỗi tháng 10 triệu đồng để duy trì bữa trưa hàng ngày cho các em. (Ảnh: T.H)
Ông Phạm Văn Đức – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ia Pa đánh giá: “Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng của thầy Khoa hình thành bếp ăn trưa để thuận lợi hơn cho việc học hành của các em học sinh. Để duy trì bữa ăn trưa tại trường mỗi tháng thầy Khoa đã bỏ ra 10 triệu đồng. Do số tiền không đủ, thầy cũng đã viết thư kêu gọi tấm lòng từ các nhà hảo tâm. Hiện tại số tiền thầy bỏ ra đến nay là 40 triệu đồng, hàng tháng thầy vẫn trích 10 triệu tiền lương của mình cho bữa ăn trưa của các em. Phòng Giáo dục cũng đang nhờ các nguồn lực bên ngoài, cùng chung tay xây dựng bếp ăn ý nghĩa này”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.