Bức tranh cổ tức ngân hàng trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2020

Huyền Anh Thứ năm, ngày 20/02/2020 09:17 AM (GMT+7)
Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, nhiều ngân hàng hứa hẹn sẽ chia cổ tức cho cổ đông ở mức cao, lên tới 30% nhưng vẫn chủ yếu là bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, cổ đông của Techcombank và Sacombank nhiều khả năng vẫn phải “nhịn” cổ tức năm 2019.
Bình luận 0

Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niêm năm 2020. Ngoài việc thông qua các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2020, vấn đề chia cổ tức luôn là điểm nóng ở nhiều ngân hàng.

Cổ tức tới 30%, chủ yếu bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của ông Trần Hùng Huy vừa thông báo về một số nội dung tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.

Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh kết quả kinh doanh năm 2019, kế hoạch năm 2020, trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận, tờ trình thù lao và ngân sách cho HĐQT, BKS. Đáng chú ý, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ phông,…

Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB từng tiết lộ, ACB dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng năm 2020, tăng 15% và chia cổ tức tỷ lệ 25% trong năm 2020. Ngân hàng dự định chia cổ tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Mức cổ tức lên tới 30% này được ACB đặt ra khi kết quả kinh doanh năm 2019 của nhà băng này vượt hơn 3% so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm, tăng 18% so với năm 2018 khi đạt 7.516 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Những năm gần đây, ACB thường chia cổ tức ở mức cao trên 20%.

img

Cổ tức ngân hàng chủ yếu vẫn bằng… cổ phiếu?

Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) của bầu Hiển cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại tính đến 31/12/2018.

Theo đó, SHB sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 20,9%.

Mục đích tăng vốn là nhằm đạt chuẩn Basel II vào năm 2020, đẩy mạnh việc đầu tư vào công nghệ thông tin, cũng như nâng cao năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngay trước SHB, VIB cũng được chấp thuận phát hành cổ tức tỷ lệ 18%, tăng vốn lên 9.245 tỷ đồng. Tương tự, vốn điều lệ của OCB cũng vừa tăng lên gần 7.900 tỷ đồng thông qua đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 20%.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của MBBank từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng theo đề nghị tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019.

Cổ đông của Ngân hàng Quân đội (MB) thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 20%, từ 21.604 tỷ đồng lên 25.841 tỷ đồng trong 2 đợt.

Tại đợt 1, MBBank tăng vốn điều lệ thêm 1.690 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 8%. Sau đó, MB tăng vốn điều lệ thêm 432 tỷ đồng thông qua phát hành cho cán bộ nhân viên 43,2 triệu cổ phần tương ứng với 2% vốn điều lệ.

Đợt 2, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.584 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 211,35 triệu cổ phần và chào bán 47 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hay như Vietinbank, theo phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2019-2020, nhà băng này mong muốn tăng vốn thông qua chia cổ phiếu tỷ lệ 40%. Trong khi đó, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối thiểu 70% trong ba năm. Cụ thể, Vietcombank đề xuất giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 70% trong giai đoạn từ 2018 – 2020. Qua đó, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng ít nhất 25.900 tỷ đồng.

Ngoài các nhà băng trên, HDBank cũng là một trong số nhà băng chia cổ tức và cổ phiếu thưởng lên tới 30% những năm gần đây.

Giới phân tích kỳ vọng, với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019, cổ tức của các ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao bằng tiền mặt và cổ phiếu. “Việc các ngân hàng mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông sẽ là một kênh để hoàn thành mục tiêu tăng vốn. Đồng thời, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao sẽ giúp ngân hàng giữ lại tiền mặt để xử lý những khó khăn hiện hữu, hoặc mở rộng sản xuất, đầu tư vào các dự án mang lại lợi nhuận lâu dài và tăng tiềm lực cạnh tranh”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.

Lãi lớn cũng không chia cổ tức

Tuy nhiên, trong bức tranh cổ tức nhiều gam sáng của ngành ngân hàng năm vừa qua và năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, mùa đại hội cổ đông năm nay vẫn sẽ có một số ít nhà băng nói không với cổ tức.

Điển hình như Techcombank, 8 năm liên tiếp, ngân hàng này để lại toàn bộ lợi nhuận và không chia cổ tức dù bằng cổ phiếu hay tiền mặt cho cổ đông. Chẳng hạn, dù năm 2017 lãi lớn trên 8.000 tỷ đồng trước thuế, Techcombank vẫn không chia cổ tức. Lý do được HĐQT nhà băng này đưa ra là nhằm gia tăng điểm hấp dẫn cho cổ phiếu khi chuẩn bị lên sàn HOSE.

Hay như năm 2018, kinh doanh rất tích cực với lợi nhuận đạt hơn 10.660 tỷ đồng, tăng 32,7% so với 2017 và vượt 6,6% so với kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ được tăng lên gần 35.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với 2017 và vượt hơn 60% so với kế hoạch. Vốn chủ sở hữu cũng được tăng mạnh thêm 92,2% lên 51.783 tỷ đồng, vượt hơn 15,2% so với kế hoạch. Với kết quả lợi nhuận trước thuế trên 10.600 tỷ, sau khi trích lập các quỹ, Techcombank còn lại 10.286 tỷ đồng có thể phân phối cho cổ đông, tuy nhiên Techcombank vẫn theo đuổi chính sách không chia cổ tức mà giữ lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

img

Techcombank 8 năm không chia cổ tức

Năm 2019, Techcombank tiếp tục là “á quân” lợi nhuận của khối ngân hàng trên sàn chứng khoán song nếu chiếu theo quan điểm của lãnh đạo nhà băng này trong nhiều năm qua đó là giữ lại lợi nhuận nhằm bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng, nhiều khả năng kịch bản “nhịn” cổ tức của cổ đông tiếp tục tái diễn trong năm 2019.

Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu nên vẫn nói “không” với cổ tức, dù tiếp tục bị cổ đông than thở, chất vấn. Nguyên nhân đưa ra là ngân hàng cần giữ lại thặng dư vốn để bổ sung vốn tự có, tăng vốn điều lệ. Theo dự kiến trước đó, tại đại hội tới, Sacombank của ông Dương Công Minh tiếp tục trình kế hoạch không chia cổ tức cho năm 2019.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem