Khoảng 2h00 sáng 20.8, tại lò dọc -95, công trường Cái Đá, Khai trường than Thành Công thuộc Công ty Than Hòn Gai (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra vụ bục túi nước khiến một nhóm công nhân 12 người mất tích.
Từ trận mưa lũ lịch sử đến nay, mặt bằng công trường Cái Đá vẫn còn nhiều điểm nước trũng, địa chất yếu.
Ông Đỗ Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty Than Hòn Gai cho biết, vị trí bục túi nước được xác định ở mức dọc vỉa -160 lên -85, dọc vỉa -95. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty đã huy động hơn 200 thợ lò có kinh nghiệm cùng lực lượng hỗ trợ của Trung tâm cấp cứu mỏ và nhiều thiết bị phục vụ tìm kiếm theo 3 mũi: một mũi đi từ dọc vỉa -95 xuống đáy, 1 mũi đang đi từ vỉa -95 vào ngã 3 của chân thượng -165, mũi còn lại đi theo vỉa -160.
Huy động tối đa 4 máy bơm nước lớn công suất 100m3/h để bơm nước ra ngoài. Đến khoảng 3h sáng, lực lượ ng cứu hộ đã tìm thấy và nhanh chóng đưa 10 người gần vị trí lò bục ra ngoài. Sau khi sơ cứu, 10 nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Đến khoảng 4h sáng, tiếp tục tìm thấy 1 người nhưng đã tử vong.
Lượng nước bục trong lò than lớn nên các máy bơm phải làm việc hết công suất.
Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán, trong 10 nạn nhân có 3 trường hợp bị thương nặng do sốc đa chấn thương nặng ở vùng bụng và ngực, tắc đường thở do dị vật… Sau khi phẫu thuật, tất cả các nạn nhân đều đã qua cơn nguy kịch.
Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người còn lại, được xác định bị nước cuốn trôi khỏi vị trí bục nước hơn 40m. Do bị lượng đất đá sạt xuống vùi lấp nên việc đào tìm nạn nhân gặp khó khăn.
Ông Kiên cho biết thêm: "Trận mưa lịch sử kéo dài đã gây ngập toàn bộ công trường Cái Đá (khai trường Than Thành Công thuộc Công ty Than Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh). Phía công ty Than Hòn Gai phải làm bờ để ngăn nước tràn ngập đường lò. Trong 10 ngày (từ ngày (26.7 đến ngày 5.8) ngập nước, túi nước ngầm được hình thành do bị ngấm cộng với nền địa chất yếu, đó là tác nhân chính gây ra việc sự cố bục túi nước bất ngờ lúc 2h00 sáng 20.8".
Theo Ông Bùi Khắc Thất - Giám đốc Công ty Than Hòn Gai, khu vực khai trường xảy ra sự cố của Công ty đã được khai thác từ thời pháp. Quá trình khai thác kéo dài đến ngày nay đã làm bề mặt bị phá vỡ từ lâu, tăng nhanh độ thấm xuống ngầm quanh khu vực khai thác.
Đến 14h40, lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục làm việc
Liên quan đến sự cố này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Công điện khẩn về chủ động khắc phục hậu quả sau đợt mưa kéo dài và đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản.
Theo Công điện, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành than, làm ngập lụt nhiều vùng, nhiều vị trí đất còn đọng nước và tạo thành hồ (các moong than và nơi trũng), nền địa chất khu vực yếu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho sản xuất còn lớn, đặc biệt là các hầm lò. Để chủ động khắc phục hậu quả thiệt hại và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân trong khai thác than.
Đối với Tập Đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, chỉ đạo các đơn vị thành viên phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, sát thực tế đến tận các hầm lò, khai trường và các bãi thải của đơn vị mình để chủ động xử lý, kịp thời khắc phục các thiệt hại vừa qua và đề phòng các sự cố sập đổ, sạt lở, bục nước tại các hầm lò...
Trực tiếp đến thăm hỏi các công nhân gặp nạn và chỉ đạo khắc phục sự cố, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc phải chỉ đạo tất cả các đơn vị trong toàn tập đoàn rà soát các vị trí, các điểm có nguy cơ xảy ra bục nước, sạt lở để có biện pháp khắc phục, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho người lao động.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, trong trận mưa lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều đường lò than, nhà xưởng, nơi sản xuất cùng nhiều thiết bị máy móc bị ngập hại, nhiều khai trường khai trường bị sạt lở… gây thiệt hại cho ngành than lên đến 1.200 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.