Bùi Viện: Sang Mỹ cầu viện, xây dựng quân đội tuần dương, Tàu ô khiếp sợ

Trần Hưng Thứ năm, ngày 17/06/2021 20:30 PM (GMT+7)
Trong tình cảnh hải quân nhà Nguyễn yếu kém, cướp biển Tàu ô khống chế toàn bộ vùng biển khiến việc giao thương bị ngưng trệ, các chuyến hàng của Triều đình cũng liên tục bị tấn công cướp phá, thì quân đội tuần dương ra đời, gắn liền với tên tuổi Bùi Viện.
Bình luận 0

Xuất thân

Bùi Viện là người làng Trình Phổ, tỉnh Nam Định (nay là Trình Trung, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), ông sinh ra trong gia đình nhà Nho. Năm 1864, ông đỗ Tú tài. Năm 1868, ông dự kỳ thi Hội và đỗ Tam trường tức Cử nhân.

Bùi Viện ở Kinh đô và có cơ hội quen biết với những nhà cải cách như Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Thuận.

Bùi Viện và quân đội tuần dương đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 1.

Thủy quân nhà Nguyễn. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com).

Năm 1872, Bùi Viện giúp Lê Tuấn ra bắc đánh dẹp dư đảng Thái Bình Thiên Quốc là quân Cờ Đen và quân Cờ Vàng, lập nhiều chiến công. Sau đó ông giúp Doanh điền sứ Nam Định là Doãn Khuê xây dựng cửa bể Ninh Hải (tức Hải Phòng ngày nay).

Bùi Viện lãnh trọng trách xây dựng bến Ninh Hải thành thương cảng (tiền thân của cảng Hải Phòng sau này), vừa lo thủy quân chống lại hải tặc.

Cướp biển khống chế toàn bộ vùng biển

Năm 1873 vua Tự Đức được các quan hộ giá ra chơi ở cửa biển Thuận An thì có 9 chiếc tàu buồm chở hàng của Triều đình từ Bắc kỳ vào Huế.

Đột nhiên ngoài khơi có 2 chiếc Tàu ô (hải tặc Trung Quốc) nổ súng tấn công, tàu nhà Nguyễn không chống cự được phải tháo chạy, 2 chiếc tàu hàng bị quân Tàu ô cướp mất. Quan quân nhà Nguyễn dùng súng thần công chống trả nhưng bắn không trúng phát nào, quân Tàu ô mặc sức cướp bóc rồi chạy mất.

Chứng kiến điều này, vua Tự Đức thấy rõ sự yếu kém của thủy quân. Bùi Viện dâng tấu biểu lên Vua với nội dung như sau:

“Việc trị an ở ngoài bể (biển Đông), gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc Tàu ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Tàu thủy của ta lòng sâu bảy tám thước trong khi tàu giặc thì lòng chỉ ba bốn thước là cùng. Nếu gặp tàu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất đơn giản và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh tàu vào những chỗ bể nông, tàu ta không sao đến được mà bắn cũng không tới”.

“Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến giương mắt mà nhìn chứ không có cách gì xoay trở”.

Bùi Viện đề xuất lên Vua rằng, đánh giặc phải đánh ngoài biển, biến những đội tuần dương thành thủy quân. Ông đề nghị cho thành lập Tuần dương quân.

Vua chuẩn y tấu biểu của Bùi Viện, đồng thời cử ông ra nước ngoài tìm cách cầu viện.

Hai lần sang Mỹ cầu viện

Sau 2 tháng lênh đênh trên biển, vào tháng 8/1873, Bùi Viện đến Hương Cảng, lúc này đã là thuộc địa của Anh và là đầu mối giao thương giữa châu Á và phương tây. Tại đây, Bùi Viện gặp gỡ với Lãnh sự Hoa Kỳ và ngỏ ý muốn được giúp đỡ. Lãnh sự đồng ý giúp và viết thư giới thiệu với một người ở Hoa Kỳ có thể giúp ông gặp Tổng thống.

Bùi Viện trở về nước để trình vua Tự Đức, rồi không rõ vì sao mà Bùi Viện phải giả quốc thư và tự chế bộ quan phục hàng tam phẩm để đi Hương Cảng.

Từ Hương Cảng, Bùi Viện đến Mỹ, trên đường đi có qua Yokohama (Nhật Bản). Tại Nhật, ông tìm hiểu thì thấy đất nước này mới mở cửa nên chưa đủ mạnh để có thể giúp mình. Ông xuống tàu đến San Francisco (Hoa Kỳ). Tại đây ông phải mất một năm nhờ vả mới gặp được Tổng thống Ulysses Grant. Lúc này đang xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Pháp tại Mexico nên Mỹ cũng có ý định giúp đỡ một đất nước đang bị Pháp uy hiếp.

Dù phía Mỹ đã đồng ý giúp đỡ, nhưng Bùi Viện lại sợ tội giả mạo quốc thư, nên nói rằng đã không mang theo quốc thư nên hai bên không ký được một cam kết nào. Vì thế Bùi Viện phải về nước tâu lại tình hình với Vua.

Sau khi nghe Bùi Viện bẩm báo, vua Tự Đức mới đồng ý cử ông làm chánh sứ, mang quốc thư cùng đầy đủ giấy tờ ngoại giao. Bùi Viện lại một lần nữa có mặt ở Hoa Kỳ vào năm 1875. Thế nhưng lúc này cuộc chiến Mỹ – Pháp ở Mexico đã chấm dứt nên Mỹ cũng từ chối giúp Đại Nam chống Pháp.

Cầu viện thất bại, Bùi Viện trở về nước, ông được Triều đình cử giữ chức Thương chánh tham biện rồi chuyển sang Chánh quản đốc nha Tuần hải.

Quân đội tuần dương ra đời

Tuy cầu viện không được, nhưng Bùi Viện đã tận mắt chứng kiến hải quân hùng mạnh của phương Tây, ông cũng muốn xây dựng một đội tuần dương quân hùng mạnh.

Nhưng quốc khố Triều đình đã cạn kiệt với các khoản bồi thường chiến phí sau khi ký Hòa ước năm 1874 với Pháp. Nên để xây dựng được quân đội tuần dương, Bùi Viện phải tự xoay xở. Ông nghĩ tuần dương quân phải có nguồn thu để tự túc, tránh phụ thuộc vào Triều đình.

Thời kỳ này, thương mại trong nước chủ yếu vẫn là đường biển, do đường bộ chưa phát triển như ngày nay. Tuy nhiên vùng biển bị hải tặc Tàu ô khống chế, khiến việc thông thương đường biển bị ngưng trệ. Vì thế Bùi Viện tổ chức cho Tuần dương quân bảo vệ các lái buôn, vận tải các chuyến hàng cho Triều đình để có nguồn thu.

Lúc này cướp biển Trung Quốc rất mạnh, những tổ chức phản Thanh phục Minh trước đây như Thiên Địa Hội, Bạch Liên Giáo, v.v… nay tổ chức thành cướp biển, có mạng lưới liên lạc tổ chức chặt chẽ ở khắp nơi; mua sắm nhiều tàu chiến và súng của phương Tây nên rất hiện đại, không e ngại ngay cả các tàu chiến ngoại quốc.

Bùi Viện chủ trương xây dựng quân đội tuần dương tinh nhuệ. Lính được tuyển cốt tinh chứ không cốt nhiều, phải là những người đi biển quen với sóng gió, địa hình. Ngoài ra cũng tuyển chọn một số cướp biển nếu đồng ý về với Triều đình. Binh lính được tuyển là dựa vào chính sách đãi ngộ chứ không thúc ép bắt phải đầu quân.

Tuần dương quân được xây dựng gồm 200 tàu chiến và 2000 quân thiện chiến, được huấn luyện và trả lương đầy đủ, được chi làm 3 hạng là thượng, trung, hạ.

Bùi Viện và quân đội tuần dương đầu tiên của Việt Nam - Ảnh 2.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy dưới thời vua Tự Đức. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com).

Theo sách “Bùi Viện Với Chính Phủ Mỹ – Lịch Sử Ngoại Giao thời Tự Đức ” của Phan Trần Chúc thì mức lương trả cho Tuần dương quân bấy giờ rất cao, vượt hẳn mức trả của Triều đình, điều này khiến những nhà nghiên cứu nghi ngờ. Tuy nhiên với tình cảnh quốc khố của Triều đình cạn kiệt, nếu quân đội tuần dương hoạt động hiệu quả thì nguồn thu dùng để trả lương hoàn toàn có thể vượt mức của Triều đình, như thế mới chiêu mộ được quân tinh nhuệ tham gia.

Hiểu rằng một đội quân được xây dựng từ dân chài và hải tặc, nếu không có kỷ luật nghiêm minh thì không thể dùng được. Vì thế bên cạnh chế độ đãi ngộ, Bùi Viện cũng đưa ra trách nhiệm và kỷ luật nghiêm khắc.

Tuần dương quân còn non trẻ nhưng đã nhanh chóng có được chiến công:

“Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tàu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp. Đến tháng 5 cùng năm, quân ta lại giao tranh với địch ở Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Hoa), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới. Nhờ hai chiến công đó, dân chúng cảm thấy tự tin hơn nên các thương cảng trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Một thời gian sau, các chi điếm cũng được mở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trên bộ, Bùi Viện cho xây lại những pháo đài, bố trí súng đại bác để canh phòng mặt biển”

“Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân”, Nguyễn Duy Chính.

Những chiến thắng khiến các thương nhân tin tưởng hơn, giao thương náo nhiệt trở lại, các lái buôn tin tưởng khi có quân đội tuần dương hộ tống trong mỗi chuyến hàng, các thương cảng cũng trở nên sầm uất.

Trong khi tuần dương quân đang phát triển mạnh mẽ thì ngày 1/11/1878, Bùi Viện đột ngột qua đời ở tuổi 39. Cái chết bất ngờ của ông khiến nhiều người nghi ngờ có kẻ không ưa ông hay ghen tỵ mà ám hại.

Bùi Viện mất, quân đội tuần dương không còn người đứng ra tổ chức cũng dần dần tự giải tán, đây là một điều thật đáng tiếc.

Bạn bè cùng người dân thương tiếc Bùi Viện, Nguyễn Tư Giản đã có đôi câu đối viếng ông:

Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước,

Chí lớn đành đem gửi biển non.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem