Bundesliga không phải giải đấu được yêu thích nhất ở châu Á, nơi phần lớn người hâm mộ dành thời gian và tình yêu cho các đội bóng thuộc Premier League hoặc La Liga. Tuy nhiên, với các cầu thủ châu Á, nước Đức thực sự là miền đất hứa, nơi chắp cánh cho giấc mơ trở thành ngôi sao.
Trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu, Bundesliga đứng đầu về số cầu thủ châu Á, với 88 người đã hoặc đang thi đấu (đặc biệt, càng bùng nổ kể từ năm 2006, khi Đức dỡ bỏ hoàn toàn quy định hạn chế cầu thủ ngoài UEFA).
Và theo thống kê của FourFourTwo, gần 1/5 cầu thủ tốt nhất mọi thời đại của châu Á từng chơi tại giải đấu hàng đầu nước Đức. Không khó để kể ra, họ là Ali Daei, Ali Karimi, Mehdi Mahdavikia (Iran), Shinji Kagawa, Shinji Okazaki (Nhật Bản) hay Cha Bum-kun, Son Heung-min, Ahn Jung-hwan (Hàn Quốc).
Okazaki từng thành công tại Bundesliga
Thậm chí, ở Đông Nam Á cũng có tới 5 người gắn bó với Bundesliga, gồm Dennis Cagara, Stephan Schrock, Denis Wolf (Philippines), Chhunly Pagenburg (Campuchia) và Witthaya Hloagune (Thái Lan). Trong số này hầu hết là các cầu thủ ngoại kiều và chơi ở Đức trước khi khoác áo ĐTQG, trừ trường hợp của Hloagune. Cựu tiền vệ Thái Lan khởi nghiệp ở Bangkok, sau đó tới Nhật và kiếm được bản hợp đồng với Hertha Berlin vào năm 1979, chơi ở đây 3 năm rồi chuyển đến Saarbruecken, một CLB ở hạng 3 nước Đức.
Vậy tại sao Bundesliga lại là đất lành cho các cầu thủ đến từ châu Á, vùng trũng của bóng đá thế giới?
Nhưng chúng ta biết, các giải đấu hàng đầu châu Âu đều có những đặc thù. Ở Anh là sức mạnh,tốc độ và cường độ; Italia coi trọng chiến thuật; Tây Ban Nha nổi tiếng kỹ thuật; Pháp thì kết hợp giữa thể chất, tính tổ chức và kỹ thuật. Những cầu thủ châu Á, vốn được biết đến với thể hình hạn chế, tư duy chiến thuật sơ khai và kỹ thuật không đặc biệt khéo, đương nhiên rất khó thích nghi.
Ở Đức thì khác. Quốc gia này coi trọng tinh thần chiến đấu, khả năng chịu đựng, tính đồng đội, kỷ luật và sự hiệu quả. Điều này trùng hợp với các thuộc tính của người châu Á, chăm chỉ, biết lắng nghe và sở hữu ý chí mạnh mẽ.
Huyền thoại bóng đá Đức Lothar Matthaeus từng nói, "các cầu thủ châu Á có nhiều điểm tương đồng với Bundesliga hơn là Serie A, La Liga hay Premier League, bởi họ dễ hòa nhập với đội bóng, chuyên cần và kỷ luật".
Còn theo Shinji Okazaki, tiền đạo có 4 năm chơi ở Bundesliga trước khi cập bến Leicester, cho biết: "Với người Đức, kỷ luật quan trọng hơn chiến thuật. Họ muốn các cầu thủ chỉ làm những gì HLV yêu cầu hoặc cho phép làm. Các cầu thủ châu Á dễ dàng đáp ứng đòi hỏi này".
Cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại của Hàn Quốc Cha Bum-kun, từng 2 lần vô địch UEFA Cup cùng Eintracht Frankfurt và Bayer Leverkusen cũng chung quan điểm. Ông nói: "Cầu thủ châu Á chăm chỉ, dễ thích ứng và cam kết cống hiến hết mình. Họ lại dễ bảo, luôn làm theo chỉ dẫn của HLV mà không gây ồn ào".
Ngoài thể hình tốt, tư duy chơi bóng và kỹ năng dứt điểm, Văn Hậu của chúng ta còn được khen ngợi bởi đức tính khiêm tốn cùng ý thức chiến thuật. Anh có thể chơi bất cứ đâu, từ trung vệ, hậu vệ đến tiền vệ cánh hoặc tiền vệ trung tâm, đồng thời đảm trách mọi nhiệm vụ mà Ban huấn luyện đề ra, tấn công hay phòng thủ.
Bên cạnh đó, tinh thần và ý chí của Văn Hậu cũng không có gì phải nghi ngờ. Từng chia sẻ triết lý sống, rằng "bạn phải chiến đấu, hy sinh và làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ", cậu bé nghèo quê lúa nay đã trở thành ngôi sao nổi tiếng nhưng vẫn không ngừng nỗ lực để cải thiện bản thân, và luôn luôn ra sân với quyết tâm cao nhất, sẵn sàng đổ máu vì chiến thắng.
Son Heung-min, người đang tỏa sáng rực rỡ ở Premier League và trưởng thành từ Bundesliga, đã nói, để cạnh tranh với các đồng nghiệp châu Âu và Nam Mỹ, con đường duy nhất của cầu thủ châu Á là chăm chỉ. Ngoài ra cần một chút may mắn để có cơ hội thể hiện mình. Son Heung-min đã có may mắn đó bởi anh chọn Đức làm nơi khởi nghiệp. Giống như các nền bóng đá khác, Bundesliga luôn đề cao giá trị thương mại khi ký hợp đồng với các cầu thủ châu Á. Nhưng thay vì giữ trên băng ghế dự bị, những đội bóng Đức sẽ cho họ cơ hội ra sân nếu đủ tốt.
Hãy nhìn vào trường hợp của Son Heung-min. Anh đã chơi 135 trận ở Bundesliga cho đến năm 23 tuổi. Điều này tương phản với sự khắc nghiệt ở Anh. Gia nhập Arsenal năm 2001, thần đồng Nhật Bản Junichi Inamoto đã không ra sân một phút nào tại Premier League và khi rời khỏi xứ sương mù ở tuổi 27, anh chỉ tích lũy được 66 trận trong màu áo các đội bóng nhỏ.
Vì vậy, nếu tới được Monchengladbach, một tương lai rực rỡ đang chờ đón Văn Hậu. Anh sẽ là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam, và chúng ta trở thành quốc gia thứ 11 thiết lập sự hiện diện ở Bungdesliga.
Một dấu mốc lịch sử sắp được mở ra, và chúng ta nên lạc quan.
Thanh Đình - Giang Nguyễn (SPORT5)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.