Cuộc chiến mạng nhằm ủng hộ WikiLeaks đã nổ ra và đang có dấu hiệu leo thang với việc hàng loạt trang mạng của các công ty ngoảnh mặt với WikiLeaks liên tục bị tấn công.
|
Hai mạng thanh toán MasterCard và VISA tê liệt vì bị tấn công. |
Đội quân hacker khổng lồ
Tờ "Người Bảo vệ" (Anh) cho biết, đến chiều tối 8-12 (giờ Hà Nội), trang mạng thanh toán đa quốc gia Mastercard vẫn không thể hoạt động sau những vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) liên tiếp của một nhóm tin tặc. Trước đó, ngày 7-12, Mastercard đã quyết định cắt dịch vụ thanh toán trên WikiLeaks.
Người sử dụng cũng không thể truy cập được trang web của Công ty Visa - một đại gia khác trong lĩnh vực thẻ tín dụng, vừa cắt quan hệ với WikiLeaks - cho đến cuối ngày 8-12.
Trong khi đó, trang mạng của Ngân hàng Thụy Sĩ Post Finance đã phong tỏa tài khoản của ông Julian Assange cũng bị tấn công. Nhóm tin tặc có tên "Operation Payback" (tạm dịch là "Chiến dịch đáp trả") đã nhận trách nhiệm và tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công trang mạng của Post Finance.
Nhóm hacker ủng hộ WikiLeaks này dự kiến cũng sẽ tấn công trang mạng của Paypal - một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet.
Trang mạng và dịch vụ thư điện tử của luật sư Claes Borgstroem - đại diện cho hai phụ nữ Thụy Điển kiện ông Assange quấy rối tình dục, cũng bị hacker tấn công.
Các chuyên gia của Công ty An ninh mạng Netcraft nhận định, đây là đợt tấn công quy mô lớn của một "đội quân hacker khổng lồ", bởi cần ít nhất 400 hacker mới có thể tấn công được trang web Mastercard, trong khi với trang Visa thì cần tới 2.000 hacker.
Cùng với "Chiến dịch đáp trả", một nhóm hacker khác là Anonymous (Vô danh) cũng tuyên bố thực hiện một số vụ tấn công. Trước đây, Anonymous đã từng tấn công trang web của giáo phái Scientology và các trang web của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới.
"Cha đẻ" WikiLeaks vô can
Một hacker thuộc nhóm "Vô danh" có biệt hiệu là "Coldblood" (Máu lạnh) tuyên bố, các cuộc tấn công sẽ được mở rộng ra nhằm vào tất cả các công ty và cá nhân nào cắt đứt quan hệ với WikiLeaks hoặc tấn công trang web của tổ chức này. "Những cuộc tấn công vừa qua chỉ mới là sự cảnh báo đến các công ty"-Coldblood đe dọa.
Đó là khẳng định của Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd đưa ra hôm 8-12. Reuters dẫn lời ông Kevin Rudd cho biết, để xảy ra vụ rò rỉ tài liệu là lỗi của Mỹ chứ không phải của công dân Australia Julian Assange.
Hiện ông Assange đang bị tạm giữ biệt lập tại Wandsworth - nhà tù lớn nhất của Anh ở Thủ đô London. Luật sư Mark Stephens của ông Assange cho biết, thời gian sớm nhất có thể thăm Assange là ngày 13-12, chỉ một ngày trước phiên xét xử thứ hai.
Theo tờ "Độc lập" (Anh), nhiều khả năng Assange sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để xét xử tội hoạt động gián điệp.
Báo này dẫn nguồn tin từ các quan chức ngoại giao cho biết, giới chức Mỹ và Thụy Điển đã có các cuộc thảo luận không chính thức về việc dẫn độ Assange từ Thụy Điển sang Mỹ. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã khẳng định Thụy Điển và Mỹ chưa từng bàn bạc về khả năng dẫn độ ông Assange đến Mỹ nếu ông bị đưa về Thụy Điển hầu tòa.
Trước đó, "cha đẻ" của WikiLeaks tuyên bố ông sẽ đấu tranh đến cùng để không bị dẫn độ về Thụy Điển.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.