Bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh

Thu Lê Thứ hai, ngày 11/11/2024 18:08 PM (GMT+7)
Sau hơn 2 năm triển khai, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để sẵn sàng đưa vào vận hành vào cuối năm 2024. Đây sẽ là bước tiến quan trọng của ngành Công nghiệp chế biến chế tạo Quảng Ninh.
Bình luận 0

Quảng Ninh có nhà máy ô tô đầu tiên

Đó là Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng rộng 36,5ha, nằm trong Tổ hợp Công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, tại Khu công nghiệp Việt Hưng, TP Hạ Long.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư, có công suất 120.000 xe/năm; thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công.

Là dự án nhà máy ô tô đầu tiên được triển khai tại Quảng Ninh nên được lãnh đạo tỉnh kỳ vọng sẽ bổ sung năng lực mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, dự án còn mang một ý nghĩa quan trọng, thể hiện mối hợp tác mang tầm chiến lược  trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam, là biểu tượng cho mối quan hệ của hai quốc gia Việt Nam - Cộng hòa Séc.

Bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh - Ảnh 1.

Ngày 02/04/2024, tại Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ tiếp nhận lô linh kiện đầu tiên cho Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng. Ảnh: Đỗ Phương

Sau hơn 2 năm thi công, hiện các hạng mục chính của nhà máy cơ bản hoàn thành, gồm: Hệ thống nhà xưởng hàn, sơn, lắp ráp, cơ điện và các công trình phụ trợ như trạm LPG, trạm khí nén, đường thử… Các phân khu chức năng kiểm soát chất lượng đã hoàn thiện chạy thử vào đầu tháng 5/2024. Dự kiến, trong quý IV/2024, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào chạy thử.

Ông Nguyễn Mai Anh Ngọc, Phó Giám đốc Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng, cho biết: Đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị cho nhà máy là những đối tác hàng đầu, có nhiều kinh nghiệm triển khai cho các nhà máy ô tô lớn trên thế giới, như Chropynska, Wipro Pari và Durr. Điều này giúp đảm bảo dây chuyền sản xuất, lắp ráp của nhà máy đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và sẵn sàng năng lực để sản xuất các mẫu xe mới trong tương lai.

Bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh - Ảnh 2.

Các chuyên gia căn chỉnh, vận hành thử nghiệm thiết bị Nhà máy sản xuất Ô tô Thành Công Việt Hưng. Ảnh: Đỗ Phương

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy, Quảng Ninh dành sự quan tâm đặc biệt triển khai các chương trình hỗ trợ. Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư tuyến đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các cầu Tình Yêu, Bình Minh… để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà máy nói riêng và KCN nói chung.

Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 22 của HĐND Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nghiệp chế biến chế tạo tăng tối đa công suất và năng lực sản xuất, phấn đấu đưa vào vận hành nhà Nhà máy ô tô Thành Công và khởi công nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh trong quý IV này.

Nâng chất công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh

Không chỉ có dự án nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên, mà Quảng Ninh còn thu hút được một số dự án công nghiệp phụ trợ của ngành ô tô. Có thể kể đến đó dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu.

Cũng tại KCN Sông Khoai, còn có dự án của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.

KCN Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án phụ trợ ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, Dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.

Việc Quảng Ninh có dự án trong lĩnh vực sản xuất ô tô và phụ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Thực tế cũng đã chứng minh điều này. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA), công nghiệp ô tô đóng góp tới 10% GDP, trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tạo ra khoảng 5,5 triệu việc làm tại xứ sở "Mặt trời mọc".

Còn ngành công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc là động lực chính tạo ra một "con rồng châu Á". Đến nay, công nghiệp ô tô là một trong những ngành chủ lực, đóng góp gần 20% GDP và tạo ra hơn 10% tổng số việc làm cho nền kinh tế Hàn Quốc.Còn ở Thái Lan, riêng 16 nhà sản xuất ô tô đã kéo theo sự phát triển của hơn 2.000 doanh nghiệp hỗ trợ…

Bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh - Ảnh 3.

Toàn cảnh Khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh) – Nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng. Ảnh: Đỗ Phương

Tại Việt Nam cũng đã hình thành một số trung tâm sản xuất ô tô lớn tại Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam. Những địa phương này đã ghi nhận sự đóng góp lớn của các nhà máy cho địa phương. Như tại Quảng Nam, chỉ trong vòng 15 năm (2003-2018), kể từ khi Thaco Trường Hải khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại Khu kinh tế mở Chu Lai, doanh nghiệp này đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam với tổng số tiền hơn 70.000 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Ninh, thời điểm tháng 9/2020, khi động thổ xây dựng Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ô tô và phụ trợ, lãnh đạo Tập đoàn Thành Công cho biết, những sản phẩm của Tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn, mà còn hướng tới xuất khẩu.

Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 cũng đã xác định: "Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng trở thành khu công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất máy móc, thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành sản xuát công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao khác".

Có thể thấy, dự án Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phát triển về chất lượng và sẽ ké theo cả số lượng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh. Và xa hơn nữa là kỳ vọng ghi danh trên bản đồ công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem