Từ chân núi Ma Mèo, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) tôi theo một nhóm cửu vạn đến Lũng Vài. Đó là vào một ngày cuối năm rét cắt da cắt thịt...
Nguyên tắc đi cửu
Để chuẩn bị cho việc nhập vai cửu vạn, tôi đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu rõ những quy định, luật lệ của cửu vạn, cũng như những tên “chim lợn”, “cai cửu” số má nơi đây. Sau khi đã tìm hiểu kỹ, được một người quen giúp đỡ, tôi và anh bạn được giới thiệu gặp gã đàn ông tên H.X.
H.X có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đưa hàng lậu vượt biên. Tuy không phải là tay sừng sỏ nhất vùng đất này, nhưng nói về kinh nghiệm luồn lách, mánh lới đưa hàng lậu về thì H.X thuộc hạng có số má.
Trong vai cửu vạn, phóng viên NTNN đã cùng với nhóm cửu này
ngược về đỉnh núi Ma Mèo gùi hàng. Ảnh: N.T.S
Sau một hồi hỏi han, gã bảo tôi kéo áo, tay áo, chân quần cao lên, rồi gần gật đầu. “Chân tay mày chắc, khỏe, có thể làm cửu được đấy”. Rồi hắn quay lại nhìn thẳng vào mắt tôi hỏi: "Mày từng làm gì rồi?". Tôi trả lời đã từng đi gùi quặng, than rồi.
Sắc mặt hắn nghiêm nghị như để nhắc nhở, đe chúng tôi: “Dù bọn tao chỉ là cửu, nhưng cũng phải có nguyên tắc, quy định riêng của cửu. Một lời thề, quy định bất di, bất dịch là “trung thành với chủ, bảo vệ hàng đến cùng”. Có nghĩa là nếu bị bắt thì kiên quyết không khai ra chủ, cai, chỉ bảo là đi làm thuê, không biết chủ là ai. Hơn nữa phải biết lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để huy động lực lượng cướp lại hàng, nếu không sẽ phải đền số hàng bị mất đó, làm trái sẽ bị xử”.
T - một đàn em của H.X khi nghe hắn nói vậy cũng chêm vào: “Năm ngoái có thằng Toàn ở Bắc Giang xin vào đội cửu. Lúc bị bắt hắn bỏ hàng chạy, nhưng bị tóm hắn khai hết mối của tụi này, sau đó tụi này đã xử “đẹp”. Giờ thách kẹo nó cũng chẳng dám vác mặt lên đất này nữa. Làm cửu phải biết giữ mồm, giữ miệng, gùi về đây lĩnh tiền (20.000, 30.000 đồng/kg-PV), kiếm ra tiền triệu mỗi ngày chứ chẳng chơi”.
Tận mục sở thị kho hàng lậu
Sáng hôm đó, tôi và anh bạn sau khi ra mắt, chào nhóm cửu dưới trướng của H.X ở chân núi Ma Mèo, khoảng 7 giờ sáng chúng tôi bắt đầu leo núi. Mặc dù mới sáng sớm, nhưng các điểm gửi xe ven đường đã ken kín xe của cửu vạn gửi. Thanh niên có, trung niên, phụ nữ có cả, ai nấy đều cầm trên tay “đồ nghề”, gồm dây đai, đệm xốp, đèn pin, người thì đi giày ba ta, người đi giày cao cổ bộ đội rồi lặng lẽ tiến về phía đỉnh núi Ma Mèo.
Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc leo núi, nhưng phía trước là dãy núi dựng đứng, đường chỉ là đường mở, đá lởm chởm, trơn trượt, nên leo được 3 – 4km, tôi và anh bạn đã bị tụt lùi xa tốp cả trăm mét. Sợ đi cách xa tốp quá dễ bị lộ, tôi động viên anh bạn cố gắng gồng mình bò lên đỉnh núi theo đoàn.
Trên đường đi, tôi quan sát có đến hàng trăm đường tự mở dọc khu đường biên này, dấu chân người giẫm đạp khiến cây dại, cỏ lau đổ rạp, chết khô vàng óng.
Đặt chân lên đỉnh đèo, chọn vị trí cao tôi phóng mắt về phía bên kia biên giới, phía xa bên kia quả núi từng đoàn người lũ lượt đang gùi hàng tiến về núi Ma Mèo. Anh bạn ngồi thở rồi lầm bẩm: Chắc sắp đến rồi.
Nghe vậy T cười bảo ở trên nhìn xuống gần thế thôi, nhưng để đến được điểm vác hàng cũng phải 4 – 5km nữa, có điểm 9 – 10km đường bộ. Rồi tôi nhìn thấy hắn rùng mình, hình như hắn chột dạ, sợ chúng tôi nản bỏ cuộc chăng nên quay lại bảo: “Hôm nay “ăn” hàng ở ngay dưới chân núi này thôi sắp đến rồi”.
Sau vài phút nghỉ giải lao trên đỉnh đèo, chúng tôi xuôi về phía bên kia. Dưới chân núi là chằng chịt các con đường mòn, hàng đã được đóng thành từng bao, mỗi chủ xếp thành một đống, chỉ một đoạn đường biên, tôi đếm được có đến hàng chục đống hàng xếp dọc khu vực này. Cũng như cư dân mình, dân bên Trung Quốc quanh vùng biên cũng thu phí đường mỗi người 10 nhân dân tệ/người/lượt (khoảng 30.000 đồng) khi đi qua nương rẫy họ.
Tôi liếc mắt quan sát, ở phía chân núi bên kia có rất nhiều lán che bạt, cả những kho xây, xung quanh chỉ có vài hộ dân. Theo các cửu vạn thì đó chính là các kho hàng tập kết chờ cửu vạn sang “ăn” hàng.
Vì đây là lần đầu “ăn” hàng nên tôi và anh bạn được ưu tiên gùi mỗi người một bao hàng quần áo rét độ 30kg. Buộc hàng xong, chúng tôi ngược về phía đỉnh núi Ma Mèo. Cõng, gùi lên núi không quá nặng so với sức của tôi, nhưng phải leo qua những cung đường khúc khuỷu, dựng đứng nên mặc dù trời lạnh như cắt, nhưng đi được độ 2km người chúng tôi đã đầm đìa mồ hôi. Cái rét như bay biến đâu hết.
Nếu cứ đà này cõng thêm đoạn nữa, có khi cả người, cả hàng lăn xuống núi cũng nên tôi bàn với anh bạn giả vờ đau bụng để bỏ lại hàng, rút xuống núi. Tôi cúi xuống thọc tay vào cổ họng rồi nôn ra mấy mẩu bánh mì, lương khô mà dạ dày còn chưa kịp tiêu hóa, rồi giả vờ ngã lăn ra, thấy vậy tốp cửu đi cùng vội báo với T. Và cuối cùng tôi và anh bạn được “đặc cách” đi người không, số hàng của chúng tôi được chia đều cho 4 cửu khác.
Tôi và anh bạn tỏ ra mệt mỏi, đau đớn rồi lững chững dìu nhau xuống núi. Trên đường xuống núi, chúng tôi gặp hàng chục cửu vạn, họ gùi lô hàng độ 60 – 70kg, nhưng vẫn chạy phăng phăng. Qua đỉnh núi Ma Mèo chúng tôi tìm một chỗ kín nghỉ chân cho đỡ mệt, rồi tụt xuống núi trước khi trời tối.
Theo tìm hiểu của PV, việc mua bán, hàng gì từ quần áo, vải, thảm lót, hay vỏ điện thoại, sạc, tai nghe, đồng hồ, mỹ phẩm… đều do chủ hàng bên Việt Nam và Trung Quốc giao dịch với nhau, hẹn ngày tập kết hàng. Chủ hàng Việt Nam sẽ liên kết với cánh “chim lợn”, cai cửu để đưa cửu vạn sang “ăn” hàng, bất kể ngày giờ, hễ “hở” là đi.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.