Cá chết bất thường tại TT-Huế "không do nhiễm bệnh"

An Sơn Thứ sáu, ngày 22/04/2016 17:30 PM (GMT+7)
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện cá chết không do nhiễm bệnh.
Bình luận 0

Hôm nay (22.4), đoàn công tác trung ương do Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) chủ trì với sự tham gia của đại diện của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã đến tỉnh Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu nguyên nhân cá chết và lấy mẫu kiểm tra.

img

Đoàn công tác trung ương do Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên-Huế về tình trạng cá chết hàng loạt.

Tại buổi làm việc với Sở NNPTNT và các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn công tác đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề cá biển chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển của tỉnh. Đoàn đã đề nghị Sở NNPTNT và các cơ quan ở tỉnh cung cấp chứng cứ, hình ảnh về cá chết; kết quả quan trắc môi trường nước trước và sau thời điểm cá chết; các mẫu cá chết còn lưu giữ; xác định cá tự nhiên chết trước hay cá nuôi chết trước; số lượng cá chết và mức độ ảnh hưởng đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh…

Trước đề nghị của đoàn công tác, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Hiện tượng cá biển chết bất thường trôi dạt vào bờ biển tỉnh bắt đầu xuất hiện vào ngày 15.4 tại vùng biển xã Lộc Vĩnh và khu vực Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc) sau đó rải rác ở một số xã biển khác, trong đó, cá nuôi chết khoảng 6.000 con. Theo ông Hùng, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện cá chết không do nhiễm bệnh.

Về vấn đề cung cấp mẫu cá chết, ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện đơn vị không lưu giữ mẫu cá nào. Ông Bình giải thích việc không có mẫu cá là vì hiện tượng cá chết chỉ xảy ra cục bộ và đang giảm dần, riêng những xác cá chết trước đó đã phân hủy.

Tương tự, trước đề nghị của đoàn công tác về cung cấp chứng cứ, hình ảnh về cá chết cũng như kết quả quan trắc môi trường nước trước và sau thời điểm cá chết…, cả ngành nông nghiệp lẫn ngành tài nguyên - môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đều không thể cung cấp.

Theo ông Bình, hiện chưa rõ nguyên nhân cá chết, nhưng rất có thể cá tự nhiên chết ở vùng biển tỉnh do nguyên nhân từ nơi khác tới và dưới tác động bởi tác nhân nào đó từ môi trường biển. Ông Bình cũng mong muốn phía Bộ NNPTNT sớm có khuyến cáo để người nuôi tôm thẻ chân trắng ở tỉnh an tâm do các chủ hồ phải lấy nguồn nước ở biển vào nuôi tôm.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên-Huế, đoàn công tác sẽ về vùng biển Lăng Cô và xã Lộc Vĩnh để lấy mẫu nước biển, mẫu cá chết và mẫu trầm tích để kiếm tra. Tiếp đến đoàn sẽ đến vùng biển của tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh.

“Hiện đoàn vẫn chưa có kết luận nào liên quan đến cá biển chết dạt vào bờ dọc 4 tỉnh thành của miền Trung” - bà Dung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem