Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày vừa qua, tại đoạn qua đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài (ven hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội) xuất hiện nhiều loại cá chết, nổi trắng mặt hồ, gây mất cảnh quan khu vực và ảnh hưởng đến môi trường.
Tại đây, theo ghi nhận của PV Dân Việt, cá chết đa phần là cá trôi, cá mè, cá chép… Thậm chí, có cá lớn từ 3 - 5 kg/con cũng chết nổi trên mặt nước, bị gió thổi dạt vào bờ, bốc mùi hôi tanh. Trước tình trạng trên, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã huy động 2 thuyền có gắn máy cùng nhiều công nhân. Cá chết được vớt lên thuyền sau đó đóng vào bao cho đến điểm tập kết. Theo công nhân cho biết, hàng tạ cá không thể đo hết được, cá chết đếm không xuể.
Đáng nói, hiện tượng này đã diễn ra gần 2 tháng, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và cuộc sống người dân quanh khu vực nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vinh Quang, nhà gần ngay sát hồ Tây cho biết, mùi cá chết hôi tanh bốc lên khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, các hộ kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Cá hôi thối bốc mùi suốt cả ngày khiến chúng tôi vô cùng mệt mỏi. Mặc dù nhà đóng kín cửa nhưng vẫn có mùi, cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều người mất ăn mất ngủ vì cá chết", ông Quang nói.
Tiếp lời ông Quang, chị Nguyễn Lê Anh, một chủ hộ kinh doanh trên đường Nguyễn Đình Thị cho biết, cá chết bốc mùi nồng nặc khiến việc kinh doanh của gia đình chị cùng nhiều người khác ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Nếu ngày trước mọi người ra hồ Tây thư giãn không khí trong lành thì giờ cá chết hôi tanh không ai dám ngồi ăn uống. Mọi người đi tới đây đều vội phóng xe qua nên kinh doanh gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, mùi cá thối ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ, nhiều gia đình không dám cho con em ra những khu vui chơi xung quanh hồ Tây. Trước đây, các em nhỏ ra hồ chơi vào buổi chiều rất đông nhưng giờ rất ít", chị Lê Anh nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 22/11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, đơn vị vừa nhận được kết quả kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN-MT Hà Nội).
"Kết quả cho thấy lượng DO (thông số ô xy hòa tan trong nước) ở mức trên 4, đây là mức DO đảm bảo, nên cá không thể chết. Như vậy, chỉ có do thời tiết, cá dưới hồ dày đặc và đặc biệt là người dân thả cá trái phép xuống hồ là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt", ông Khuyến cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông Khuyến, nhiều hội nhóm ở Hà Nội và vùng lân cận thường xuyên đến hồ Tây thả cá phóng sinh, loại cá này khi xuống nước không hợp môi trường nên bị chết.
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết thêm, trong thời gian tới, sau khi được Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT hướng dẫn, quận sẽ thực hiện đánh tỉa giảm mật độ cá trong hồ. Dự kiến, định kỳ 6 tháng, đơn vị chủ trì sẽ triển khai đánh tỉa tất cả cá rô phi, các loài xâm hại và các loài cá không thuộc loài quý hiếm cỡ lớn ra khỏi hồ. Cá được loại bỏ sẽ được xử lý, sử dụng theo quy định như làm thức ăn chăn nuôi, ủ làm phân bón…
Đồng thời, quận cũng chủ động phối hợp cùng Công ty thoát nước làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để được hướng dẫn biện pháp xử lý tảo nổi diện rộng trên mặt hồ khi thời tiết giao mùa, là nguyên nhân chính gây thiếu oxy cho cá…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân, bao gồm: thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm, khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo... gây ra), cá bị bệnh...
Trước thực trạng cá tiếp tục chết rải rác trôi dạt vào ven hồ Tây bốc mùi hôi, Bí thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chính quyền sở tại chủ động phối hợp với các Sở, ngành khắc phục.
Được biết, từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý khai thác hồ Tây được giao cho 7 sở, ngành thành phố quản lý, đan xen theo lĩnh vực chuyên ngành, không có một đầu mối quản lý thống nhất. Điều này dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc tổ chức thực hiện quản lý hồ; khó khăn, bất cập khi tổ chức khai thác, bảo vệ các giá trị của hồ Tây.
Hiện Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu ban hành quyết định về Quy định quản lý hồ Tây, trong đó, UBND quận Tây Hồ sẽ là đầu mối trong việc quản lý, khai thác hồ này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.