Cá chết nổi trắng Hồ Tây ngày 2.10 (ảnh: Tất Định)
Hơn 1 tuần sau khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây, chiều 12.10, trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết quận đã quyết định giao một Phó Chủ tịch quận làm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành để rà soát tổng thể các cơ sở kinh doanh, hệ thống xả thải vào hồ.
“Hiện quận đã nắm được số lượng các đơn vị kinh doanh quanh khu vực Hồ Tây như các nhà hàng, khách sạn, quán café, … Tuy nhiên, lượng nước thải trực tiếp đổ xuống hồ cũng như lượng cống thải cần được rà soát lại kỹ lưỡng”, vị này nói.
Trước đó, trả lời báo chí ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho hay, qua khảo sát sơ bộ, hiện có khoảng 30 cống xả thẳng nước thải xuống hồ, trong đó có bảy cống lớn, hơn 20 cống nhỏ như cống sau Công viên nước Hồ Tây; cống sau nhà hàng Sen Tây Hồ, cống Xuân La (CLB Du thuyền), cống Đỏ (mương Thụy Khuê), cống sau Trường THPT Chu Văn An, cống Tàu Bay (số 2 Thụy Khuê) và cống đầu dốc khách sạn Sheraton…
UBND quận Tây Hồ cũng cho biết quận và Công ty CP Đầu tư thương mại Xây dựng Phú Điền - đơn vị xây dựng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây đã có báo cáo về việc kiểm tra, xử lý xả thải, cải thiện môi trường Hồ Tây gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Tính đến ngày 11.10, mới có 1 đơn vị là Khách sạn Công đoàn thỏa thuận đấu nối với hệ thống thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây.
Được biết, theo quy định về quản lý Hồ Tây của UBND TP Hà Nội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào hộ. Thành phố nghiêm cấm việc xả nước thải trực tiếp xuống hồ.
Từ tối ngày 1.10 – 3.10, tại khu vực mặt nước Hồ Tây, Hà Nội xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Theo thống kê, thành phố đã thu gom và xử lý khoảng 200 tấn cá chết.
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.