|
Năm trước khi chưa lấy chồng, Prứa là một cô gái xuân sắc, nhưng giờ tất cả đã qua nhanh. |
"Nô lệ" một đời
Dưới cái nắng đổ lửa của ngày hè, chúng tôi ngược lên thượng nguồn Quảng Nam để đến huyện núi cao Tây Giang. Tại đây đi đâu cũng bắt gặp những phụ nữ cúi gằm mặt xuống đất, lưng đưa lên trời. Khi còn con gái họ từng có một khuôn mặt biết cười, biết ngước nhìn làm duyên, bây giờ khuôn mặt đó đã bị công việc dìm xuống, và nụ cười dường như đã bị tước đoạt.
Khi người yêu đến xin cưới ALăng Thị Prứa (xã Tr'Hy), bố mẹ cô ra điều kiện cho chàng trai: 1 con trâu, 1 đôi lợn, bộ chiêng, cái quạt máy, bộ bàn gỗ… Nhà trai cũng nghèo nhưng họ "nghiến răng" lo đủ, kể cả vay mượn. Đêm tân hôn chưa tàn, A Lăng Thị Prứa đã phải lao vào cáng đáng "núi" công việc của nhà chồng, bắt đầu cuộc đời làm thuê trả nợ dưới danh nghĩa làm vợ, làm dâu.
Không ít lần chị ngất xỉu vì công việc quá sức. Cái lưng gù đi vì cõng củi, gùi măng, cái tay chị cũng rách bươm vì tuốt lúa, hái bắp ở nương, cộng với những giọt nước mắt mặn chát cứ chảy cùng bao đêm giã gạo, nấu cám lợn. "Kệ nó! Mình phải tốn rất nhiều mới cưới được nó. Bây giờ nó phải làm cả đời để bù lại"- ALăng Thanh, chồng Prứa, lạnh lùng nói về vợ mình.
Thân phận Prứa có ở khắp nơi trên vùng đất biên giới Tây Giang heo hút này. Chị BLâu Thị Nhớ (xã Ch'Ơm) tâm sự: "Cực lắm, khổ lắm, nhưng riết thành quen. Nó (chồng) đi uống rượu về thích thì đánh, cũng chẳng để ý nữa. Đã lấy nhau rồi thì không ai ly hôn dù phải chịu tủi nhục cả đời. Vì nếu ly hôn thì lấy tiền, trâu, bò đâu mà trả lại cho nhà nó (nhà chồng)! Mà từ trước tới giờ, người phụ nữ Cơ Tu chưa ai làm thế cả, phải làm việc thật nhiều để có cái bỏ bụng. Chồng không làm, không giúp cho việc nặng thì mình làm, cũng không đến nỗi chết liền được" (!)
Bao giờ hết phận con lừa?
Việc thách cưới gây tốn kém cho nhà trai rồi đẩy người phụ nữ vào cảnh làm thuê trả nợ đã tồn tại hàng bao đời qua trên mảnh đất biên giới heo hút này. Để xóa bỏ hủ tục này, ngoài lực lượng biên phòng chúng tôi đi tiên phong thì cần cả xã hội chung tay góp sức
.
Thượng tá Vương Đăng Vinh - Đồn trưởng Đồn biên phòng 651
Cơ Lâu Hớp - Chủ tịch UBND xã Tr'Hy- kể: “Trước đây một số chị em không chịu nổi khổ nhục nhà chồng đã ăn lá ngón tự tử. Bây giờ nhờ bộ đội biên phòng tuyên truyền nhiều nên cũng có đỡ hơn. Từ lâu người đàn ông Cơ Tu chỉ coi vợ ngang hàng với... các con vật nuôi trong nhà, lấy vợ là để phục vụ, để trả nợ cho họ thôi".
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, BRiu Liếc, thừa nhận: “Từ trước tới giờ, người đàn ông Cơ Tu làm việc rất ít, thường ngày họ lên rừng chiết rượu từ cây T'Đinh về uống, mọi công việc nương rẫy nặng nhọc đổ cả lên đôi vai người vợ, người mẹ. Phụ nữ Cơ Tu giống như thân phận con lừa, con ngựa...”.
Những năm qua, cán bộ UBND huyện Tây Giang, bộ đội biên phòng các Đồn 651, 649 biên giới tăng cường tuyên truyền, đi đến từng nhà, thôn bản, vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu. "Tất cả những cố gắng này không dễ dàng có ngay hiệu quả. Khó nhất là làm thế nào chuyển biến được nhận thức cán bộ thôn, xã người Cơ Tu trong khi trình độ văn hóa của họ còn hạn chế…" - ông Briu Liếc nói.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.