Cả làng khá giả nhờ nuôi cá nước ngọt

Đăng Bình Thứ hai, ngày 04/11/2019 05:15 AM (GMT+7)
Ông Trần Văn Mười- Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Khương ND nuôi cá nước ngọt rất phong phú, đa dạng và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Ông Mười cho hay, trên địa bàn xã Hòa Khương có khoảng 340 hộ ND nuôi cá, trong đó chủ yếu tập trung ở các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2… với tổng diện tích mặt nước hơn 60ha. Nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố từ hồ Đồng Nghệ cung cấp nguồn nước tự nhiên cho các cánh đồng nên rất thuận lợi trong việc nuôi cá.

Lão nông Trần Liễu ở thôn Phú Sơn 1 bày tỏ: “Trước đây, kinh tế gia đình tui chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng tui xoay xở đủ kiểu nhưng thu nhập không được bao nhiêu, cuộc sống vẫn đầy rẫy khó khăn. Năm 2008, tôi chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trê. Nuôi loại cá này, lãi cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nên từ năm 2013, tôi quyết định chuyển sang nuôi các loại cá trắng…”.

img

  Mô hình nuôi cá nước ngọt của nông dân xã Hòa Khương. (ảnh: Đăng Bình)

Theo ông Liễu, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp. Những nơi không bị nước lũ tràn qua thì có thể nuôi 2 vụ/năm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích 1.500m2  thì mỗi vụ xuất bán gần 1 tấn cá trắng các loại với giá từ 45 - 50 triệu đồng/tấn. Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống của nhiều hộ dân khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

So với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều. Từ năm 2016, Hội ND xã Hòa Khương cùng với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng phối hợp xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học”. Mô hình đã từng bước giúp người ND tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường…

Ông Cao Văn Mễ, thôn Phú Sơn 2, người tham gia nuôi cá tại mô cho biết, các hộ ND tham gia được trung tâm hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Khi được hỗ trợ thực hiện mô hình, các hộ ND nhận thức việc quản lý ao nuôi tốt để tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng”- ông Mễ cho biết thêm.

Chủ tịch Hội ND xã Hòa Khương Trần Văn Mười, khẳng định mô hình nuôi cá nước ngọt của ND xã Hòa Khương đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người ND thu nhập cao, làm giàu chính đáng trên phần đất canh tác của mình…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem