Cà Mau: Bị hại kháng cáo án sơ thẩm vì “bỏ sót” trách nhiệm công chứng viên
Cà Mau: Công chứng sổ đỏ giả, "bỏ sót" trách nhiệm công chứng viên?
Hoàng Hạnh
Thứ bảy, ngày 22/10/2022 09:27 AM (GMT+7)
TAND sơ thẩm xác định hai công chứng viên của Văn phòng công chứng khi tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phát hiện GCNQSDĐ là giả. Nhưng những người này không được đề cập xử lý trong vụ án.
Theo hồ sơ vụ án: Nguyễn Kiều Diễm, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là cháu của ông Lê Văn Liêm và bà Đỗ Thị Hằng (vợ ông Liêm).
Tháng 6/2019, Diễm rủ vợ chồng ông Liêm hùn tiền mua mảnh đất ở TP.Cà Mau bán lại kiếm lời. Tin lời Diễm, vợ chồng ông Liêm đưa cho Diễm 100 triệu đồng, cùng sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của ông Liêm để Diễm làm GCNQSDĐ do ông Liêm đứng tên.
Đến tháng 1/2020, Diễm thông báo cho ông Liêm biết là đã làm được giấy chủ quyền; đồng thời có người mua lại đất. Diễm sau đó yêu cầu vợ chồng ông Liêm đến Văn phòng Công chứng Lê Thành Hưng ký Hợp đồng ủy quyền để Diễm đứng ra mua bán đất chia tiền lời, và được vợ chồng ông Liêm đồng ý.
Ngày 8/1/2020, Diễm gặp ông Nguyễn Trần Ly Phương nói mình có mảnh đất ở TP.Cà Mau muốn cầm cố 800 triệu đồng. Để cho ông Phương tin, Diễm đưa ra GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất số CN820986 do ông Lê Văn Liêm đứng tên được cấp ngày 8/8/2019, với diện tích 254m2; đồng thời Diễm cung cấp cho ông Phương thêm Hợp đồng ủy quyền do vợ chồng ông Liêm ký ủy quyền cho Diễm được toàn quyền quyết định đối với số tài sản này.
Ông Phương cùng Diễm đến Văn phòng Công chứng Lê Thành Hưng lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá 800 triệu đồng.
Lúc này, Diễm viết biên nhận cầm cố giấy chủ quyền nói trên cho ông Phương với giá 600 triệu đồng, thời hạn 6 tháng, với điều kiện nếu Diễm không đóng lãi trong 2 tháng thì ông Phương có quyền sang tên theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Diễm sau đó chỉ đóng lãi cho ông Phương được hai tháng thì ngưng đóng và lánh mặt. Đến ngày 10/7/2020, ông Phương đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau làm thủ tục sang tên mới biết sổ đỏ này là giả nên làm đơn tố giác.
Tòa xác định Công chứng viên vô can
Ngày 7/4/2022, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm vụ án "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tại bản án sơ thẩm số 12/2022 HS -ST ngày 7/4/2022, của TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt Nguyễn Kiều Diễm 3 năm tù về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và 12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt là 15 năm tù.
Buộc Diễm có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Nguyễn Trần Ly Phương số tiền 504 triệu đồng (sau khi đã trừ đi số tiền mà Diễm đã đóng lãi cho ông Phương trước đó – PV). Ngoài ra, Diễm còn có nghĩa vụ hoàn trả cho vợ chồng ông Liêm số tiền đã chiếm đoạt.
Đáng chú ý là bản án sơ thẩm nhận định đối với ông Lê Thành Hưng và Trần Việt Xô (hai công chứng viên thuộc Văn phòng Công chứng Lê Thành Hưng) có tiến hành công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 8/1/2020 không phát hiện GCNQSDĐ tên Lê Văn Liêm là giả nên không đề cập xử lý trong vụ án này là có cơ sở.
Không chấp nhận với phán quyết của tòa, ông Phương gửi đơn gửi đến TAND Cấp cao tại TP.HCM kháng cáo một phần của bản án sơ thẩm vì cho rằng bản án đã...trái luật.
"Tôi tin tưởng vào tính pháp lý của công chứng nên đã thực hiện giao dịch với Diễm dẫn đến tôi bị lừa làm thiệt hại tài sản, nhưng tòa sơ thẩm không xem xét trách nhiệm của các công chứng viên tại Văn phòng Công chứng Lê Thành Hưng là chưa khách quan", ông Phương nói trong bức xúc.
Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, ông Phương yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm xem xét trách nhiệm của các công chứng viên; đồng thời buộc các công chứng viên này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông theo quy định của pháp luật.
Nhận định về bản án, một luật sư thuộc đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau cho biết, Luật Công chứng năm 2014 quy định rõ về hành nghề Công chứng. Tại Điều 4 về Nguyên tắc hành nghề công chứng quy định: Công chứng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu về văn bản công chứng.
Còn tại Điều 38 về Bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng quy định: "Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng".
Ngoài ra, Điều 71 của luật này về Xử lý vi phạm đối với công chứng viên quy định: "Công chứng viên vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, tại Điều 584 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo luật sư, từ những cơ sở nêu trên, đối chiếu bản án hình sự sơ thẩm số 12/2022 ngày 7/4/2022 của TAND tỉnh Cà Mau xác định bị cáo Diễm dùng giấy chủ quyền đất do ông Lê Văn Liêm đứng tên đem cầm cố cho ông Phương là giấy tờ giả.
Trước khi cầm cố cho ông Phương, bị cáo Diễm mang giấy chủ quyền giả đến Văn phòng Công chứng Lê Thành Hưng làm thủ tục công chứng giao giấy chủ quyền cho ông Phương.
Tuy nhiên việc tòa cấp sơ thẩm cho rằng ông Lê Thành Hưng và anh Trần Việt Xô không phát hiện GCNQSDĐ của ông Lê Văn Liêm là giả khi tiến hành công chứng, nên không đề cập xử lý trong vụ án này là có cơ sở.
"Việc nhận định như vậy là trái với quy định của pháp luật về luật Công chứng nêu trên. GCNQSDĐ của ông Liêm có công chứng, ông Phương tin tưởng là giấy thật nên mới bị bị cáo Diễm lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.