Sáng 14.2, Lễ khai hội Xuân Yên Tử 2019 diễn ra tại quảng trường Trung tâm Văn hóa Trúc lâm Yên Tử, phường Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, Quảng Ninh. Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn người dân tham gia trẩy hội, chiêm bái, lễ phật.
Lễ hội nhằm tôn vinh công đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ông là vị vua thứ 3 của triều Trần xuất gia tu hành trên núi Yên Tử và là người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.
Điểm mới của lễ hội năm nay là du khách có thể đến với Yên Tử bằng tuyến cáp treo nối từ Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử của tỉnh Bắc Giang lên tới đỉnh núi Yên Tử. Bên cạnh đó, con đường xuyên rừng trúc dài hơn 400m sẽ giúp du khách hiểu trọn vẹn hơn chặng đường tu hành của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, từ sáng sớm, mưa phùn kèm theo sương mù phủ kín vung núi Yên Tử, càng lên cao gió căng thổi mạnh. Nhiệt độ trên chùa Đồng - đỉnh cao nhất của Yên Tử giảm mạnh, sương mù dày đặc. Hàng ngàn khách bộ hành đi trong sương sớm, bất chấp thời tiết lạnh giá để leo lên đến chùa Đồng lễ Phật. Đến giữa trưa, trời bắt đầu hửng nắng, người dân vẫn xếp hàng dài để đợi cáp treo, nhiều đoạn đường đi bộ ùn tắc.
Dù tại Yên Tử đã có tuyến cáp treo từ chân núi lên tới khu gần chùa Đồng nhưng nhiều du khách từ nhiều địa phương vẫn chọn cách leo bộ lên đỉnh Yên Tử, vừa vãn cảnh chùa và cầu chúc sức khỏe tài lộc trong năm mới.
Trong đó có nhiều người trẻ...
Quãng đường di chuyển từ chân núi lên đỉnh Yên Tử khoảng 3h đồng hồ khiến nhiều người mệt mỏi. Song nhiều người vẫn cảm thấy vui vẻ khi chọn cách lễ Phật Yên Tử như thế này.
Đỉnh Yên Tử cao hơn 6.000m là một "thách thức" cho những ai vượt qua hàng nghìn "bậc thang". Bà Bùi Thị Hằng (Quảng Yên, Quảng Ninh) cho hay, việc hành hương lễ Phật bằng cách leo bộ thể hiện tấm lòng hướng Phật chân thật nhất nên dù mệt nhưng hàng năm bà vẫn lựa chọn cách này.
Tiết trời âm u nhiều mây, tầm nhìn hạn chế và có mưa khiến việc di chuyển lên chùa Đồng trở nên khó khăn hơn. Những con dốc bình thường đã khó đi, cộng thêm mưa ướt khiến con đường trở nên trơn trượt. Nhiều du khách phải mặc áo mưa vừa chống ướt vừa chống lạnh.
Nhiều người tự mình leo qua 6.000m đường rừng núi, hàng chục nghìn bậc đá trơn trượt với tâm niệm “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”, thể hiện lòng thành khi về với miền đất Phật.
Trong quá trình leo lên đỉnh, nhiều du khách dừng lại nghỉ ngơi, vãn cảnh non thiêng Yên Tử.
Mọi người vui vẻ khi đi lễ Yên Tử.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh – cho biết, từ xưa đến nay, Yên Tử luôn được tôn vinh là Kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Bởi vì tại đây có một vị vua đã xuất gia, tu hành đắc đạo, đó là vua Trần Nhân Tông. Chính vua Trần Nhân Tông đã để lại cả một kho tư tưởng cho đạo pháp và cho dân tộc Việt Nam. Những giá trị tinh thần, giá trị triết học, giá trị văn hoá tâm linh này đã góp phần to lớn trong sự nghiệp đoàn kết, định hướng của dân tộc ta.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam yêu đạo nhưng phải yêu nước. Con người Việt Nam trân trọng đạo nhưng phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đây là nét đẹp truyền thống mà Phật giáo Trúc lâm Yên tử do Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã sang lập và gây dựng lên” - Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhấn mạnh.
Người dân lễ phật tại Chùa Đồng cầu chúc sức khỏe tài lộc trong năm mới.
Bảo tượng Phật Hoàng khổng lồ ẩn hiện uy nghi mờ ảo trong làn sương sớm. Đây là ngôi tượng Phật đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á với chiều cao 12,6 m, nặng khoảng 139 tấn, tọa trên đài sen bằng bê-tông cốt thép ốp đá điêu khắc, thể hiện sự thoát tục của Phật hoàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.