Cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên: Chưa hết hạn lại lo ngập úng, dịch bệnh

Đăng Nhật Thứ sáu, ngày 27/05/2016 11:24 AM (GMT+7)
Hạn hán qua đi, người dân Tây Nguyên lại thêm nỗi lo khi mùa mưa kéo đến làm cho diện tích cây trồng bị ngập úng, kèm theo dịch bệnh hoành hành.
Bình luận 0

Khôi phục sản xuất cây trồng sau hạn hán, khắc phục cây trồng bị ngập úng và  dịch bệnh vào đầu mùa mưa... là những vấn đề được quan tâm tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp khôi phục sản xuất cà phê, hồ tiêu sau hạn hán kéo dài ở khu vực Tây Nguyên” do Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 26.5. Diễn đàn đã thu hút gần 300 đại biểu, nông dân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên với mong muốn tìm ra giải pháp khôi phục lại sản xuất các cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Nỗi lo lớn của nhà nông

Theo thống kê  của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mùa hạn hán vừa qua đã gây thiệt hại cho người dân Tây Nguyên 110.766ha cây trồng, trong đó diện tích mất trắng là 7.589ha, chủ yếu tập trung vào các cây chủ lực như cà phê, tiêu, điều... Hạn hán qua đi, người dân Tây Nguyên lại thêm nỗi lo khi mùa mưa kéo đến làm cho diện tích cây trồng bị ngập úng, kèm theo dịch bệnh hoành hành.

img

Ông Vũ Văn Sáng (xã Ia H’lốp, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết, gia đình mới trồng được 2.000 trụ tiêu, nhưng thời gian qua khi cơn mưa kéo xuống, vườn tiêu của ông bắt đầu bị sói mòn, cây trồng bị ngập úng, kèm theo đó xuất hiện một số loại dịch bệnh như bệnh rệp sáp, vàng lá… “Trước mắt để giải quyết tình trạng ngập úng, chúng tôi chỉ biết cách đào các rãnh nước gần gốc cây để nước khỏi bị tích tụ. Còn vấn đề dịch bệnh, hiện chúng tôi vẫn chưa có bài thuốc nào hữu hiệu cũng như chưa có chuyên gia nào tư vấn để có thể áp dụng hiện quả cho cây trồng của mình” - ông Sáng nói.

“Diễn đàn nhằm giúp bà con nông dân nắm bắt được những giải pháp, thông tin, kinh nghiệm khôi phục nông nghiệp nói chung trong đó có cây hồ tiêu, cây cà phê và các loại cây chủ lực, để phát triển kinh tế tại các tỉnh Tây Nguyên”. Sau khi các chuyên gia giải đáp, tư vấn, nếu bà con nông dân còn thắc mắc chúng tôi sẽ cũng cấp số điện thoại của các chuyên gia để được tư vấn thêm”.
 Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia  

Trong khi đó, ông Puih Ing (Làng Preng 2, Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết, vừa qua vườn cà phê nhà ông chết hơn 500 gốc vì nắng hạn, phần còn lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nay bắt đầu vào mùa mưa, ông rất muốn được các chuyên gia giải đáp về cách khôi phục cây cà phê, hồ tiêu sau đợt hạn hán vừa qua...

Băn khoăn của ông Sáng, ông ông Puih Ing và nhiều nhà nông khác đã được giải đáp ngay tại diễn đàn. Đề cập đến vấn đề phục hồi cây trồng sau hạn hán, ông Trương Hồng – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, đối với vườn cà phê bị thiệt hại nặng như lá cành đã bị khô, không có khả năng thu hoạch nên cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo. Trong trường hợp cưa đốn phục hồi để tái tạo lại hệ thống thân cành mới khi năng suất vườn cà phê các năm trước cao (4-5 tấn nhân/ha), cây giống cho năng suất khá và đồng đều. Còn trong trường hợp  ghép cải tạo khi vườn cà phê có bộ giống không tốt nhưng không bị thối rễ thì nên ghép cải tạo thay giống tốt đối với vườn cà phê dưới 20 năm tuổi.

Cũng theo ông Hồng, đối với cây trồng bị ảnh hưởng nhẹ của hạn hán thì cần phải duy trì chế độ chăm sóc bằng cách cắt bỏ cành khô, rụng lá giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả.

img

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh:  Đ.N

Liên quan đến vấn đề chăm sóc cây trồng vào mùa mưa, ông Hồng cho biết cần thường xuyên bón phân theo thời kỳ, cắt tỉa cành tán cho đỡ rậm rạp. Bên cạnh đó, bà con thường xuyên đến thăm vườn để tìm hiểu và phát hiện bệnh nhằm có phương pháp ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt quan tâm đến bệnh rệp sáp gây hại vào đầu mùa mưa.

Về vấn đề phòng chống một số bệnh chết nhanh chết chậm trên cây trồng, bà Lê Thu Hiền – thạc sĩ  nghiên cứu bộ môn bệnh cây – Viện Bảo vệ thực vật  thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết: Khi mưa xuống, bộ rễ cây trồng sẽ bị suy yếu rất nhiều. Chính vì vậy, vấn đề đầu tiên cần làm lúc này là khôi phục lại bộ rễ cây trồng. Muốn vậy, cách tốt nhất là không nên dùng phân hóa học mà phải ủ rễ bằng phân chuồng, sau đó bơm thêm chế phẩm sinh học Trichoderma nhằm giảm thiểu bệnh chết nhanh chết chậm. Khi bón phân chuồng được 7-10 ngày thì trộn chế phẩm sinh học Trichderma sẽ mang lại hiệu quả.

Cũng theo các chuyên gia, việc chăm sóc cây trồng khi bắt đầu vào mưa rất quan trọng, người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định sử dụng biện pháp nào cho hiệu quả. Cách tốt nhất là tìm đến các chuyên gia để được tư vấn, qua đó giúp năng suất đạt hiệu quả cao nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem