Trừ những trường hợp đặc biệt, hiếm có người đàn ông nào không uống cà phê. Uống cà phê tốt cho sức khỏe, kích cầu ngành cà phê. Nhưng, đó là cà phê xịn, còn cà phê không phần trăm thì chỉ làm hại mọi người mà thôi.
Cà phê chỉ là cái cớ cho những cuộc gặp mỗi sáng chứ không phải chỉ để giải quyết cơn nghiện. Dù là uống để thỏa cơn nghiện cà phê hay uống để thỏa cơn "nghiện" gặp bạn thì mỗi khách vào quán đều cho vào người một lượng cà phê nhất định nào đó.
Nó là loại chất kích thích nhưng không quá nguy hại cho sức khỏe như thuốc lá hoặc một số loại chất gây nghiện khác. Thế nhưng, thật đáng sợ nếu như chúng ta vào quán cà phê để uống một thứ không phải cà phê! Cả người nghiện cà phê lẫn người không nghiện đều phải trả giá đắt cho việc "bé cái nhầm" này từ các chủ quán.
Người trồng cà phê có thể thua lỗ trắng tay nhưng người buôn cà phê, đặc biệt là các cơ sở chế biến và các hàng quán kinh doanh cà phê phải nói là siêu lợi nhuận. Một ký cà phê nhân bữa nay chừng 30.000 đồng nhưng khi các quán bán ra, đến tay người tiêu dùng có thể lên đến 300.000 đồng không chừng.
Siêu lợi nhuận là vậy nhưng điều đáng ngạc nhiên là, các chủ cơ sở chế biến cà phê lại không dùng cà phê mà là dùng đậu xanh và bắp rang cháy, sau đó trộn hương liệu vào. Mới đây, trong đợt kiểm tra đột xuất tại 4 cơ sở chế biến cà phê ở Quảng Ngãi thì có đến 2 quán, lượng cà phê chiếm 1% còn 2 quán kia, không có % cà phê nào mà toàn là ngô và đậu xanh rang cháy!
Bác sĩ Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Ngãi cho biết, đậu xanh và bắp là 2 loại ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cơ thể nhưng khi đã rang cháy để "giống cà phê thật" thì nó lại có tác dụng gây nhiều loại bệnh cho người sử dụng, kể cả bệnh ung thư! Đó là chưa kể các loại hóa chất khác mà các cơ sở chế biến dùng để trộn vào nhằm tạo mùi và hương vị như cà phê thì mức độ nguy hại không thể đong đếm hết.
Một cuộc triệu tập các chủ cơ sở chế biến cà phê do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi vừa mới thực hiện. Theo đó, mỗi chủ cơ sở chế biến cà phê dỏm này bị phạt 5 triệu đồng. Dĩ nhiên, mức phạt này, cơ quan chức năng đã dựa vào các điều khoản của luật chứ không tự đặt. Tuy nhiên, phạt từng ấy tiền cho một hành vi nguy hiểm như thế là quá "tượng trưng". Nếu không có chế tài phạt thật nặng đối với số người làm ăn thất đức này thì hậu quả mà họ mang lại cho sức khỏe con người là vô cùng nguy hiểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.