Bà Hương chụp ảnh cùng 4 con Bắc, Nam, Thống, Nhất
Chúng tôi tìm đến gặp bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) tại căn nhà nhỏ trong ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào chiều 19/11. Cách đây 40 năm, bà Hương hạ sinh 4 người con gái cùng một thời điểm. Đây là ca sinh 4 hiếm gặp ở thời đó, do vậy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử cán bộ xuống thăm nom, đặt tên cho 4 em gái tên là Bắc, Nam, Thống, Nhất.
Nhầm lẫn vì con giống nhau như hai giọt nước
Hiện bà Hương ở cùng với cô con gái út tên Như Nhất tại khu thể Yên Ngưu. Căn phòng rộng 40m 2, với đồ đạc đơn giản nhưng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Bà Hương kể, mấy năm nay bà bị bệnh tim nên sức khỏe giảm, việc đi lại khó khăn hơn. Hàng tháng, bà Hương phải đi viện khám và phải uống thuốc thường xuyên.
Con gái út tên Như Nhất vì sức khỏe yếu nên hiện đang làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì sáng đi, tối về. Hàng ngày, bà Hương ở nhà đi chợ nấu nướng và làm công việc gia đình.
“Ba con còn lại gồm Nguyễn Hoài Bắc lấy chồng ở phường Xuân Đỉnh, quận Tây Hồ, hiện có 2 con, một trai, một gái. Người thứ hai và thứ ba là Nguyễn Ánh Nam ( có 2 con trai) và Nguyễn Truyền Thống (có hai con, một trai, một gái) cùng lấy chồng và ở huyện Thanh Trì. Hiện ba con của tôi cùng góp vốn và mở hiệu làm tóc chung”, bà Huơng nói.
Ngoài 4 người con gái sinh cùng ngày, cùng tháng, vợ chồng bà Hương còn có một người con gái lớn tên Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1970), hiện đang làm nội trợ, lấy chồng ở quận Đống Đa. Các con bà Hương đã lớn và lập gia đình nhưng thỉnh thoảng bà Hương vẫn bị nhầm bởi Bắc và Thống có cùng một khuôn mặt giống nhau.
“Các con tôi sống hòa thuận và yêu thương nhau. Mỗi đứa một tính nết nhưng giọng nói lại như nhau. Trong đó, Bắc và Thống giống nhau như hai giọt nước, do vậy, nhiều khi con về thăm, tôi cũng không phân biệt được khi vừa mới tiếp xúc”, bà Hương chia sẻ.
Năm 1977, bà Bà Hương là mậu dịch viên ở chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng. Chồng bà là giáo viên dạy cấp 2. Ông mất cách đây 14 năm vì căn bệnh ung thư. Do vậy, mọi công việc trong gia đình đều do bà Hương lo toan, chăm sóc con cái.
“Chặng đường nuôi 4 cô gái song sinh cũng rất vất vả vì Bắc, Nam, Thống, Nhất có cân nặng ít, (Bắc có cân nặng 1,6kg; Nam 1,7kg; Thống 1,4kg; Nhất 1,3kg) lại thường xuyên ốm đau. Hễ một cháu bị ốm đi viện, là tôi phải đưa cả 3 cháu đi theo vì không có người chăm sóc, cho con bú. Ngoài ra, một ngày tôi phải vắt 8 bình sữa cho các con”, bà Hương kể lại.
Chuyến thăm bất ngờ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Sau lần sinh con gái vào năm 1970, ngày 17/4/1977, bà Hương hạ sinh 4 người con gái tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương (Hà Nội).
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp hình lưu niệm cùng 4 cô gái Bắc, Nam, Thống, Nhất và vợ chồng bà Hương. Ảnh gia đình cung cấp.
“Khoảng 5h sáng 17/4/1977, hôm đó là chủ nhật, tôi thấy đau bụng. Khi y tá đưa tôi sang phòng đẻ khám thì đã sắp sinh rồi. Lên nằm trên bàn, cứ 10 phút tôi lại đẻ 1 cháu, tôi chỉ mỏi hông chứ không đau bụng. Khi sinh được cháu thứ 3 ra thì cũng không nghĩ trong bụng vẫn còn cháu thứ 4. Sau đó, tôi mệt ngủ đến tận trưa và ngày hôm đó cũng chưa nghĩ tới việc đặt tên cho các con”, bà Hương kể.
Ca sinh 4 của gia đình bà là trường hợp hiếm gặp ở thời điểm bấy giờ nên được Nhà nước vô cùng quan tâm. Ngay sau khi bà Hương sinh, có nhiều nhà báo đến đưa tin về ca sinh này.
“Và ngay ngày hôm sau, bác Phạm Văn Đồng đã gọi điện hỏi thăm, đồng thời cử cán bộ xuống bệnh viện thăm, đặt tên cho các con tôi là Bắc, Nam, Thống, Nhất”, bà Hương nói.
Sau khi sinh, bà Hương phải nằm viện 2 tháng mới được về nhà. Đến thời điểm Tết năm đó, gia đình bà Hương đón Tết bình thường như bao gia đình khác.
“Tuy nhiên, đến sáng mùng 2 Tết năm đó, không hề báo trước, có 7 chiếc ô tô chở bác Phạm Văn Đồng đến thăm gia đình tôi ở tập thể Trung Tự. Lúc đó, tôi rất bất ngờ và không tin gia đình mình lại được bác Đồng quan tâm như vậy. Sau đó, bác Đồng thông báo mỗi tháng cho mỗi cháu 5 hào, sau tăng lên mấy trăm nghìn đồng cho đến khi các con tôi 18 tuổi”, bà Hương nhớ lại.
Theo bà Hương, trong cuộc trò chuyện, bác Đồng hỏi bà, giờ nhà thiếu gì. Tôi nói: “Cháu chỉ xin một cái tủ lạnh nhỏ để có thể để đường sữa cho các cháu”.
Bà Bùi Thị Hương (73 tuổi) hiện tại sống căn nhà nhỏ trong ngõ sâu của khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì.
Rồi bác Đồng lại hỏi thêm “Cháu có mấy cái chăn, cháu có mấy áo len…”. Tôi trả lời: “Cháu chỉ có áo sợi mắt na”. Cố Thủ tướng nói: “Nghèo thì nghèo, cũng phải có cái áo len. Cháu cần cái gì cứ nói”. Tôi đáp: vâng.
Sau 1 tuần, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho một ô tô chở đồ đạc xuống đầy đủ, mỗi người một cái chăn, áo, tủ lạnh, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế gỗ. Sau thời gian bác Đồng xuống thăm, cứ một năm khoảng 2-3 lần, bác Đồng lại cho người xuống đưa 4 cháu nhà bà Hương lên nhà chơi.
“Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất gần gũi, quan tâm mọi người. Ông luôn hỏi rất cặn kẽ như các cháu thích ăn gì, món gì. Ăn uống xong ông trò chuyện vui vẻ, hỏi chuyện học hành của mọi người. Lúc về, ông luôn cho quà các cháu”, chị Như Nhất, con gái út của gia đình bà Hương chia sẻ.
Một thời gian sau khi sinh, sức khỏe ổn định, bà Hương tranh thủ đi làm trở lại. Đến năm 1991, bà Hương nghỉ hưu, sau đó trải qua các công việc nhận trông trẻ cho hàng xóm; buôn bán hoa quả; mở quán cơm để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học.
Sống cùng 5 đứa con nheo nhóc trong căn chòi chưa đầy 7 m2, đôi vợ chồng làm thuê nghèo khổ quyết định bỏ rơi hai đứa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.