Đầu tháng 5.2011, giá cá tra nguyên liệu trong nước lên “đỉnh” 29.000 đồng/kg. Giá cá tra xuất khẩu tương ứng cũng tăng mạnh từ 20 – 105% tùy thị trường. Sau đó, giá cá nguyên liệu liên tục rớt, bình quân từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, còn giá cá tra xuất khẩu vẫn giữ vững.
|
Người nuôi cá đang chịu thua lỗ dù giá cá xuất khẩu của VN vẫn ổn định, thậm chí tăng. |
Giá trong nước giảm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính từ đầu năm đến thời điểm này, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 320.000 tấn, trị giá gần 830 triệu USD, tăng về khối lượng chỉ 5% nhưng tăng về giá trị đến 27%. Giá trị tăng mạnh do đơn giá xuất khẩu thời gian qua tăng cao. Điển hình nhất là thị trường Mỹ - thị trường đơn lẻ nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất, với khối lượng 40.000 tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 85,5% về khối lượng và 105% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Giá cá tra xuất khẩu sang thị trường này hiện từ 4,2 – 4,4 USD/kg.
Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ cũng có đơn giá xuất khẩu cá tra cao. Cụ thể, cá tra VN xuất khẩu qua Hàn Quốc có giá mỗi kg là 4USD, Nhật Bản 4,05USD/kg, cao nhất là Thụy Sĩ 4,52USD/kg. Riêng giá xuất khẩu sang thị trường các nước EU trong 7 tháng đầu năm cũng đạt 2,75USD/kg, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2010. Đây là những đơn giá được tăng cùng thời điểm với giá cá tra nguyên liệu trong nước ở mức cao nhất 29.000 đồng/kg. Sau đó, giá cá nguyên liệu trong nước giảm mạnh thì những đơn giá xuất khẩu này vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó, người có cá từ lời đã biến thành lỗ. Hiện giá thành nuôi cá trong điều kiện mọi thứ đều tăng (thức ăn, con giống, thuốc thú y,…) đã là 22.000 - 23.000 đồng/kg. Nhiều người vào thời điểm tháng 3 - 4, khi thấy giá cá tăng, đã vay tiền ngân hàng với lãi suất trên 20% để gầy lại ao nuôi, giá thành theo đó cũng tăng lên tương ứng. Lúc giá cá đạt 29.000 đồng/kg, họ còn có lời 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhưng đến nay, họ đã bị lỗ ngược lại con số đó.
Lợi nhuận vào túi ai?
Có thể nói luôn: Đầu tiên là vào túi doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Trong cuộc họp báo về giá sàn xuất khẩu cá 6 tháng cuối năm, ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP, cho biết, giá sàn xuất khẩu cá tra thịt trắng là 3,3 USD/kg, tương ứng theo đó giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu trong nước trong các tháng cuối năm 2011 là 26.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện các doanh nghiệp thành viên của VASEP chỉ mua với giá 23.000 – 24.000 đồng/kg. Với giá xuất khẩu không giảm, nhưng giá cá nguyên liệu giảm, doanh nghiệp xuất khẩu đã thu 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Nếu người dân có sẵn tiền mặt mua thức ăn, thuốc thú y trực tiếp từ doanh nghiệp thì giá thành nuôi cá tra chỉ ở mức 20.000 đồng/kg, chứ không phải 23.000 đồng/kg như hiện nay.
Ngoài ra, trước khi đến túi các doanh nghiệp xuất khẩu, lợi nhuận cũng đã rơi với tỷ trọng khá nhiều vào túi các doanh nghiệp thức ăn và thuốc thú y thủy sản. Hai dịch vụ này hiện chiếm đến 80% giá thành nuôi cá tra. Người nuôi, qua nhiều cấp đại lý, đã phải mua đắt hơn từ 5 – 10%.
Giá mỗi kg thức ăn cá tra mà đại lý bán cho người nuôi hiện từ 10.500 – 11.000 đồng, cao hơn khoảng 5% so với giá mua từ doanh nghiệp. Ngoài ra, do quy mô nhỏ, vốn ít nên đa số nông dân phải mua chịu, trả chậm tính lãi cao cho đại lý.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm - một người nuôi cá ở Đồng Tháp cho biết, chị phải mua trả chậm của đại lý thức ăn cho cá tra với lãi suất 2%/tháng. Bên cạnh đó, đại lý còn “ăn” thêm chiết khấu 8% từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cộng 3 khoản này, nếu người nuôi cá có tiền mặt, mua thức ăn trực tiếp từ doanh nghiệp thì có thể tiết kiệm khoảng 1.000 - 1.100 đồng/kg thức ăn, tương ứng gần 2.000 đồng/kg giá thành nuôi cá (1 kg cá tra nguyên liệu cần 1,7 - 1,8 kg thức ăn).
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.