Những lĩnh vực thu hút giới "săn lùng" mua bán doanh nghiệp
Những lĩnh vực thu hút giới "săn lùng" mua bán doanh nghiệp
Nguyễn Thụy
Thứ tư, ngày 27/11/2024 15:53 PM (GMT+7)
Các lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics đang nổi lên thành những nơi đón nhiều dòng vốn trong thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 được Báo Đầu tư tổ chức chiều và tối hôm nay 27/11 tại TP.HCM dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo thông tin tại diễn đàn, thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng vừa qua vì các khó khăn trong nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia lý giải rằng bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính, logistics… là các lĩnh vực với nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, do đó cũng là trọng tâm của thị trường M&A.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu: "Trong thành tựu chung của nền kinh tế trong năm 2024, có thể nói thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được gần 27,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 1,9% so với năm trước; thực hiện khoảng 19,6 tỷ USD tăng 8,8%".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại TP.HCM ngày 27/11. Ảnh: T. Tao
Tuy nhiên, thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chậm lại. Thứ trưởng Tâm cho biết 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng đưa ra nhận định: "Theo đánh giá của chúng tôi, sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch Covid và biến động địa chính trị trên thế giới. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng".
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết việc thị trường M&A quốc tế suy giảm trong giai đoạn vừa qua và hiện nay chủ yếu là do xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, nhà tư vấn chiến lược này nhận định: "Thị trường M&A tiếp tục tích lũy năng lượng trong năm 2024 để chờ một cú bùng nổ trong năm 2025".
Theo ông Ái, 2 xu hướng quan trọng và nổi bật hiện nay trong nền kinh tế Việt Nam là xanh hóa và số hóa, và cả hai đều quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho biết các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nguồn gốc năng lượng và việc sử dụng năng lượng xanh. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế về thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế vô cùng quan trọng vì góp phần thúc đẩy đầu tư – cả quốc tế và trong nước – vào các dự án năng lượng tái tạo.
Bối cảnh của chuyển đổi xanh và kinh tế xanh là Việt Nam đã cam kết đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.
Cũng liên quan đến chuyển đổi xanh, vốn là chuyện thời sự toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và Việt Nam đang tăng cường chú ý các yếu tố này.
Ông Ái nhấn mạnh yếu tố ESG cho các doanh nghiệp trong nước nếu là bên bán vì các công ty nước ngoài, nếu là bên mua, luôn có những đòi hỏi về ESG, xu hướng bao trùm cả thế giới.
Ông Nguyễn Công Ái nhận định tại diễn đàn: Các nhà đầu tư tiềm năng cho thị trường M&A Việt Nam sắp tới sẽ đến từ các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc.
Quá trình chuyển đổi số của cả nền kinh tế cũng thu hút nhiều quan tâm, trong đó, không ít công ty nước ngoài đã và đang thành lập các trung tâm xử lý dữ liệu (data center) tại Việt Nam để tận dụng lao động lành nghề với chi phí lao động hợp lý.
Cũng liên quan đến chuyển đổi số, ngành trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây cũng rất được quan tâm. Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho biết lĩnh vực AI toàn thế giới đang phát triển rất nhanh, vì vậy mọi doanh nghiệp phải chú trọng vào AI, dù đó là bên bán hay bên mua.
Đối với bất động sản, theo ông David Jackson, Tổng Giám đốc công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam, các phân khúc chủ đạo trong M&A được dự báo sẽ tiếp tục là bất động sản công nghiệp, logistics, nhà ở thương mại, văn phòng và dự án phức hợp.
Theo ông Jackson, các luật mới của Việt Nam liên quan đến bất động sản được xem là tạo thêm lực đẩy cho ngành bất động sản.
Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định: "Các luật mới này giúp rút ngắn thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, hứa hẹn môi trường đầu tư ổn định và minh bạch hơn. Vì vậy, giới đầu tư quốc tế vẫn duy trì triển vọng lạc quan về kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất trong 5-10 năm tới, vì thế sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản ở Việt Nam".
Theo "Báo cáo Giao dịch" của MSCI Real Capital Analytics, tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam ghi nhận 24 giao dịch M&A trong bất động sản. Nhìn chung, hoạt động M&A tại Việt Nam được thúc đẩy nhờ đòn bẩy về tăng trưởng kinh tế tích cực, chính trị ổn định, khung pháp lý và hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài duy trì tầm nhìn lạc quan dài hạn về thị trường Việt Nam và tích cực tìm kiếm cơ hội để gia nhập thị trường hay tăng cường hoạt động tại đây.
Trong 24 giao dịch M&A bất động sản do MSCI Real Capital Analytics báo cáo, ông Jackson cho biết hơn một nửa (cụ thể là 15 thương vụ) là dự án chưa phát triển và sẽ được xây dựng thành nhà ở, khu thương mại hay kết hợp thương mại với công nghiệp.
Đứng thứ hai (8 thương vụ) là phân khúc bất động sản công nghiệp, cụ thể là các dự án kho bãi và tập trung ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam và Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh ở phía Bắc.
Ngoài việc mua bán hay sáp nhập, hoạt động đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam còn diễn ra dưới hình thức hợp tác góp vốn và mua cổ phần dự án, tiêu biểu là nhóm 3 công ty Nhật Bản – Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi và NTT Group – đang hợp tác với Tập đoàn Kim Oanh để cùng phát triển The One World trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương.
Các đại biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại TP.HCM ngày 27/11/2024. Ảnh: Nguyễn Thụy
Ngoài ra, theo nhận định của ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành tại Công ty Luật ASL, xu hướng M&A năm 2025 có thể sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các công ty sản xuất, công nghệ cao, năng lượng sạch...
Đơn cử, tập đoàn công nghiệp đa ngành Sembcorp từ Singapore đã mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con đang phát triển năng lượng sạch trong hệ sinh thái Tập đoàn Gelex (trụ sở chính tại Hà Nội), và dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 thuộc Gelex.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.