Bán giá thấp để thu tiền “tươi”
Giá cá tra nguyên liệu giảm theo nhận định của các nhà chuyên môn là do sau vụ Công ty CP Thủy sản Bình An và Công ty Thủy sản An Khang (TP.Cần Thơ) vỡ nợ, khiến tâm lý người nuôi cá có tâm lý không tin tưởng vào công ty. Nhiều người chấp nhận bán cá và thu ngay tiền với giá thấp hơn 400 đồng/kg chứ nhất quyết không bán chịu vì rủi ro cao. Một số doanh nghiệp (DN) có vốn đã vịn vào lý do này để mua cầm chừng, nhằm kéo giá cá tra xuống.
|
Người nuôi cá hiện chỉ muốn bán cá cho doanh nghiệp và nhận tiền ngay, chấp nhận giá thấp hơn. |
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: “Người nuôi đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ, phá sản dẫn đến treo ao”. Mặc dù đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với DN nhưng HTX Nuôi cá tra Thới An đã giảm diện tích nuôi vì giá cả và việc tiêu thụ quá bấp bênh. Hiện tại, HTX chỉ còn 8ha nuôi cá tra, bằng 1/3 so với trước đây.
Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Cá tra rớt giá là do ngân hàng thắt chặt tín dụng nên DN không có tiền để mua cá. Một số DN có tiền mua cá thì cố gắng ép giá cá xuống càng thấp càng tốt. Người nuôi cá thì kiên quyết bán và thu tiền luôn, chấp nhận giá thấp hơn do thời gian gần đây rất nhiều DN thủy sản nợ kéo dài dẫn đến khiếu kiện”.
Trong thời gian qua, người nuôi cá ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn do giá cả và khâu tiêu thụ bấp bênh. Theo thống kê, hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 30% số hộ theo nghề nuôi so với trước, còn lại chuyển qua nuôi cá giống, cho DN thuê đất, chuyển sang nuôi các thủy sản khác... Số người bám trụ với nghề thì nuôi cầm chừng và có nguy cơ treo ao.
Ông Võ Văn Đệ ở khu vực Thới Bình 2 (phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vẫn tiếp tục nuôi cá tra nhưng không dám nuôi nhiều như trước đây. Ông cho biết: “Hơn chục năm, nghề nuôi cá không ổn định nên người nuôi đã bỏ ao gần hết. Tui tiếp tục đeo bám nhưng không dám nuôi nhiều vì sợ cá rớt giá lại tiếp tục thua lỗ nặng”. Theo ông Đệ, hiện tại tất cả nguyên liệu đầu vào như: Con giống, thức ăn, thuốc… đều tăng nên giá thành cá tra đã lên 23.500 đồng/kg.
Ngành chế biến cũng lao đao
Từ đầu năm 2012 đến nay, hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL chỉ hoạt động cầm chừng, một số đã phá sản hay chìm trong nợ nần. Tình hình này tạo ra phản ứng dây chuyền tác động đến giá cá tra.
Nếu ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp thủy sản phải phá sản trong thời gian tới, càng làm cho giá cá tra sụt giảm...
Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang) cho biết: “Xuất khẩu thủy sản năm 2012 đối mặt với nhiều thách thức. Các nước châu Âu tiếp tục giảm nhập khẩu thủy sản do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, trong khi đây là thị trường chính của thủy sản VN. Đặc biệt là cá tra giảm đến 40% sản lượng xuất sang châu Âu. Một số nước khác tiếp tục dựng lên rào cản kỹ thuật gây khó cho thủy sản VN. Hiện nay đa phần DN thủy sản thiếu vốn trầm trọng, năng lực tài chính kém, hoạt động phần lớn dựa vào vốn vay…”.
Theo các nhà chuyên môn, đây là thời điểm những DN làm ăn kiểu cơ hội, chụp giật, theo phong trào, thiếu sự đầu tư… sẽ phá sản. Đồng thời, những DN lớn, khả năng tài chính dồi dào sẽ xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước tự giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu kéo dài trong những năm qua. Các DN cũng sẽ chủ động từ đầu vào con giống đến đầu ra sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm mà quốc tế quy định.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.