Các doanh nghiệp "đổ" 30.000 tỷ đồng đầu tư vào chế biến nông sản

Khương Lực Thứ tư, ngày 19/02/2020 16:11 PM (GMT+7)
Công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đã có sự bứt tốc và thay đổi lớn trong những năm gần đây khi có tới 40 dự án đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng được khởi công xây dựng và khánh thành trong 3 năm gần đây.
Bình luận 0

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, trong 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của nước ta đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7 - 8%/năm. Hiện nay đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có khả năng đảm bảo chế biến, bảo quản khoảng 130 – 140 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản/năm. 

img

Chế biến xoài xuất khẩu.

Cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. "Nhìn chung, công nghiệp chế biến nông sản đã có bước phát triển cao trong thời gian qua (tốc độ tăng trưởng trung bình 8% so với 3% của sản xuất nông nghiệp) và cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: thủy sản, gỗ, hạt điều, gạo, chè, cao su..." - Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Đáng chú ý, trong 3 năm 2017 - 2019 đã có gần 40 dự án đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ được khởi công xây dựng và khánh thành. Tuy vậy, vẫn còn một số ngành hàng khâu chế biến, bảo quản còn yếu và thiếu chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng như: ngành hàng rau quả, thịt.

Sự phát triển của ngành chế biến nông sản Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, còn bộc lộ những tồn tại, nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Công nghệ chế biến nông sản chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp (tính chung 15 - 20%), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Cùng với đó, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Khâu tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

"Ngoài một số mô hình liên kết doanh nghiệp "đầu tàu" với nông dân theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả tốt, thực tế vẫn còn quá ít chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Đa số chuỗi ở khâu đầu vẫn là thu gom của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống thương lái, chi phí trung gian lớn, không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp" - Thứ trưởng Tiến phân tích. 

img

3 năm gần đây, đã có 40 dự án đầu tư vào ngành chế biến nông sản với số vốn huy động lên tới 30.000 tỷ đồng.

Để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Bộ NN&PTNT đề xuất rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế. 

Cùng với đó, đầu tư mạnh để phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông lâm thuỷ sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế và những ngành hàng có tỷ lệ nông sản được đưa vào chế biến còn thấp như: các loại rau quả, thịt, trứng… Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. 

Về chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng cho công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. 

"Hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển các công ty, tập đoàn tư nhân lớn về chế biến - kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản có thương hiệu nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng".

Về đất đai, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

Về thương mại, hội nhập, Bộ NN&PTNT đề xuất triển khai công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem