6 kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV và những điều chưa có trong tiền lệ

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 21/03/2024 16:50 PM (GMT+7)
Với việc tổ chức kỳ họp bất thường sáng 21/3, Quốc hội khóa XV sẽ có 6 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Dân Việt điểm lại các kỳ họp Quốc hội bất thường khoá XV.
Bình luận 0

Theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/3, Quốc hội khóa XV họp kỳ bất thường lần thứ 6 để xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền. 

Như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tổ chức 6 kỳ họp bất thường, trong đó 2 kỳ diễn ra trong năm 2022 có hai kỳ, hai kỳ diễn ra trong năm 2023 và hai kỳ vào đầu năm 2024.

6 kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV và những điều chưa có trong tiền lệ- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội

Ngày 4/1/2022, kỳ họp Quốc hội bất thường đầu tiên của khoá XV diễn tại Thủ đô Hà Nội đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội. 

Kỳ họp bất thường đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh rất đặc biệt khi cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, các nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.

Kỳ họp được tổ chức nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Những nội dung bàn thảo tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt cho năm 2022, năm 2023, mà còn có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Một năm sau thành công của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Kỳ họp được chuẩn bị và diễn ra một cách nhanh chóng, khẩn trương, ngay sát dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù thời gian kỳ họp rất ngắn, từ ngày 5-9/1/2023, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.

Trong đó, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 nghị quyết.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội cũng xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.

Ngay sau thành công của kỳ họp bất thường lần thứ 2, đã diễn ra liên tiếp hai kỳ họp bất thường thứ 3 (ngày 18/1/2023) và kỳ họp bất thường thứ 4 (ngày 2/3/2023) của Quốc hội khóa XV, hai kỳ họp tập trung vào vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước đó là công tác nhân sự. 

Cụ thể, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII. 

Hai kỳ họp bất thường thứ 3 và thứ 4 đã quyết định vấn đề rất lớn, mang tầm quốc gia, có tác động trực tiếp đến toàn xã hội mà không thể chậm trễ.

Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ 5, thông qua hai đạo luật đặc biệt quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền, diễn ra ngay sau hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 20/3.

Tại cuộc họp này, T.Ư Đảng khóa XIII đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

6 kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV và những điều chưa có trong tiền lệ- Ảnh 3.

Ông Võ Văn Thưởng được chấp thuận nguyện vọng xin thôi giữ các chức vụ. Ảnh: Quốc hội

Với việc tổ chức kỳ họp bất thường sáng 21/3, Quốc hội khóa XV sẽ có 6 kỳ họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV. Đây là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Quốc hội khóa XV cũng nhiều lần nhận định các kỳ họp "bất thường" đã trở thành "bình thường", nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội và nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mọi hoạt động của Quốc hội đều vì mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia, dân tộc, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

"Chúng ta sẽ tiếp tục tinh thần sẵn sàng biến những điều bất thường thành bình thường để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm yêu cầu kiến tạo sự phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem