Các nhà khảo cổ học choáng váng trước tập tục nuôi 'chim sát thủ' của người cổ đại

Lê Phương (Express) Thứ hai, ngày 06/12/2021 11:00 AM (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu đã bị choáng váng trước những bằng chứng cho thấy loài người cổ đại từng thuần hóa những chú “chim sát thủ”.
Bình luận 0
Các nhà khảo cổ học choáng váng trước tập tục nuôi 'chim sát thủ' của người cổ đại - Ảnh 1.

Những chú chim Cassowary được người cổ đại thuần hóa. Ảnh: Getty

Thời kỳ đồ đá bắt đầu cách đây khoảng 2,6 triệu năm. Đây là thời điểm mà người cổ đại bắt đầu sử dụng các công cụ bằng đá. Thời kỳ này kéo dài rất lâu và đã hình thành nên khởi nguồn của thế giới, kéo dài cho đến khoảng năm 3.330 trước Công nguyên (TCN). Sau giai đoạn này, thời kỳ đồ đồng bắt đầu và dần dần có những bước tiến vượt bậc.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về con người cổ đại, nhưng rất khó, thường là không thể, để biết được hết những chi tiết nhỏ về cuộc sống hàng ngày của họ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã tạo nên bước đột phá và cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hiếm có về cách loài người từng sinh sống. Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện ra rằng người cổ đại ở New Guinea, sống cách đây 18.000 năm, đã ấp trứng chim Cassowary và huấn luyện chúng thành thục cho đến khi trưởng thành.

Cassowary là loài chim lớn, không biết bay, có nguồn gốc từ Úc, quần đảo Aru và New Guinea. Chúng là một trong những loài chim lớn nhất trên thế giới.

Nghiên cứu của nhóm đã được đăng tải trên tạp chí BBC Science Focus. Kristina Douglass, trợ lý giáo sư nhân chủng học và nghiên cứu châu Phi tại Penn State, đã chia sẻ với ấn phẩm về mức độ nguy hiểm của Cassowary, thậm chí những người cổ đại nuôi chúng có thể thiệt mạng.

Cô nói: "Đây không phải là một con gà nhỏ nào đó, nó là một loài chim khổng lồ khá hung dữ, không biết bay, nặng khoảng 20kg."

Các nhà khảo cổ học choáng váng trước tập tục nuôi 'chim sát thủ' của người cổ đại - Ảnh 3.

Cassowary là một trong những loài chim lớn và nguy hiểm nhất hành tinh. Ảnh: Getty

Các nhà khoa học đã nghiên cứu vỏ trứng có niên đại từ 6.000 đến 18.000 năm trước để xác định độ tuổi của phôi bên trong khi chúng bị nứt. Vì chim non lấy canxi từ vỏ trứng, nên nhóm nghiên cứu có thể xác định xem chúng đã phát triển như thế nào.

Nghiên cứu này đặc biệt đáng chú ý vì theo các nhà khoa học trước đây, quá trình thuần hóa loài gà phải đến hàng nghìn năm sau mới diễn ra.

Tiến sĩ Hanneke Meijer, một nhà cổ sinh vật học không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: "Kết quả của dự án này là rất quan trọng! Người ta thường coi gà là loài chim đầu tiên được thuần hóa (mặc dù ngày tháng và địa điểm thuần hóa cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi), nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng sự thật có thể không phải như vậy".

Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết chắc chắn những con chim Cassowary được thuần hóa để làm gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem