Các nước chạy đua xuất khẩu vũ khí

Thứ ba, ngày 05/03/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong bối cảnh nền kinh tế các nước phương Tây đang ì ạch sau cuộc khủng hoảng tài chính, công nghiệp vũ khí được nhiều chính phủ xem như cứu cánh để duy trì sức mạnh cho nền kinh tế.
Bình luận 0

Quyết tâm của Thủ tướng Anh

Hiếm có vị thủ tướng nào cổ súy không mệt mỏi cho ngành công nghiệp vũ khí nước Anh như đương kim Thủ tướng David Cameron. Ông gọi nó là một phần chủ chốt của nền kinh tế xứ sương mù. “Đẩy mạnh xuất khẩu rất quan trọng đối với nền kinh tế, và đó là lý do tại sao tôi làm mọi thứ có thể để cổ súy nền công nghiệp vũ khí Anh để nó có chỗ đứng trong cuộc đua toàn cầu.

img
Hệ thống phòng không tầm ngắn Rapier ở Blackheath, London đã thu hút chú ý của khách hàng khi được sử dụng bảo vệ Olympic London 2012

Mọi đất nước trên thế giới đều có quyền tự bảo vệ, và tôi quyết định đặt nền công nghiệp số một của Anh vào thị trường này, hỗ trợ 300.000 việc làm trên cả nước”, Thủ tướng Cameron nói trong chuyến đi đến Oman.

Để thực hiện điều đó, ông đã ngược xuôi công du nước ngoài, và hầu hết các chuyến đi đều có việc chào mời bán vũ khí. Ông từng có các chuyến đi vận động cho các hợp đồng mua bán vũ khí như: Ai Cập và Kuwait vào tháng 2.2011; Saudi Arabia tháng 1.2012; Indonesia, Nhật Bản, Miến Điện, Malaysia và Singapore vào tháng 4.2012; Brazil tháng 9.2012; và Saudi Arabia, Dubai và Abu Dhabi vào tháng 11.2012. “Ngài Thủ tướng đã làm những việc tuyệt vời”, theo Howard Wheeldon, giám đốc chính sách của ADS - một hiệp hội mua bán vũ khí.

Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Liam Fox cho biết: “Xuất khẩu vũ khí và công nghệ an ninh đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đối ngoại của chúng ta: xây dựng các mối quan hệ và truyền bá các giá trị”.

Tháng 4 tới, một tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Anh có kế hoạch đến Tripoli của Libya để tham gia triển lãm quốc phòng. Ở Olympic London 2012, chính phủ cũng tìm mọi cách PR cho ngành công nghiệp vũ khí. Các thương hiệu tên lửa được đưa vào trang web của Olympic 2012 đã từng gây tranh cãi. Nhưng Anh đã bán được các tên lửa Starstreak do Thales sản xuất cho Thái Lan 4 tháng sau đó.

Trong bối cảnh nước Anh đang trên bờ vực rơi vào đợt suy thoái kinh tế liên tiếp lần thứ 3, và sự can dự của Anh gần đây vào các xung đột ở nước ngoài, ngành công nghiệp vũ khí càng được xem trọng. Tháng trước, Thủ tướng Cameron cho biết nếu tiếp tục đắc cử vào năm 2015, chi tiêu quân sự Anh sẽ được “miễn nhiễm” trước các chương trình khắc khổ đối với tất cả các hoạt động của chính phủ.

Nhưng ngành công nghiệp quốc phòng có thực sự quan trọng đối với Anh? Nó có thật sự cung cấp việc làm cho 300.000 người như ông Cameron đã nói từ nhiều năm qua hay không? Theo tính toán của UK Trade & Investment (UKTI), con số này tương đương 1% lực lượng lao động của Anh, và gấp đôi nhân lực làm việc trong ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Theo Ian Prichard của CAAT, 300.000 lao động là khi tính luôn tất cả những dịch vụ liên quan đến quốc phòng, và con số thực tế chỉ tối đa là 215.000 hoặc ít hơn từ 30.000-40.000. Năm 2003, thủ tướng lúc đó là ông Tony Blair từng nói có khoảng 100.000 việc làm phụ thuộc vào công nghiệp quốc phòng.

2 chuyến đi, 1 đích đến

img
Ông Cameron đến Oman vào tháng 12.2012 để vận động cho các hợp đồng bán vũ khí

Đầu tuần trước ông Cameron vừa có chuyến thăm Ấn Độ với sự tháp tùng của một phái đoàn hùng hậu, trong đó có những nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng của Anh như he BAE Systems (một trong các nhà sản xuất chiến đấu cơ Eurofighter), EADS UK, Rolls Royce và Thales UK. Trước đó ông đã từng đến Ấn Độ để cổ súy hợp tác mua bán vũ khí vào tháng 7.2010. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. New Delhi dự định chi khoảng 100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới để nâng cấp khí tài mới nhằm cân bằng với mức chi tiêu cho quốc phòng của Bắc Kinh.

Trước chuyến đi của ông Cameron, Tổng thống Pháp Hollande cũng đã đến Ấn Độ để vận động bán vũ khí. AFP mô tả phái đoàn Pháp tháp tùng ông Hollande khá hùng hậu, bao gồm lãnh đạo của hơn 60 công ty và các quan chức cấp cao. Ấn Độ là nước châu Á đầu tiên mà ông Hollande công du kể từ khi nhậm chức.

Đây là chuyến đi mà ông Hollande kỳ vọng sẽ thúc đẩy New Delhi chốt lại thỏa thuận mua 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 12 tỷ USD từ Công ty Dassault Aviation của Pháp. Theo AFP, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và ông Hollande cho biết cuộc đàm phán về vấn đề này đã có những bước tiến triển tốt đẹp. Hai bên cũng đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài lâu nay về một thỏa thuận tên lửa đất đối không tầm ngắn trị giá 6 tỷ USD sẽ được quân đội Ấn Độ sử dụng. Tên lửa này sẽ được công ty sản xuất tên lửa của Pháp MBDA và công ty vũ khí Ấn Độ DRDO cùng hợp tác sản xuất.

Tuy nhiên, báo Le Monde nhận định sẽ là thiển cận nếu cho rằng chuyến đi của ông Hollande chỉ thuần túy vì muốn bán vũ khí: “Rất nhiều nhà quan sát có thể sẽ chỉ để mắt đến hợp đồng bán máy bay Rafale, nhưng đó là một cái nhìn thiển cận. Mối quan hệ đối tác chiến lược này (ký năm 1998) bao gồm những lĩnh vực ngoại giao thiết yếu với một cường quốc như Ấn Độ, nước đang mong muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nó cũng bao gồm sự hợp tác truyền thống trong các lĩnh vực quan trọng như không gian, hạt nhân dân sự và cả an ninh. Nhưng cần phải nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế của mối quan hệ này trước. Bởi chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá cao Trung Quốc và đánh giá thấp Ấn Độ vốn lại có thể tái cân bằng với Trung Quốc”.

Ngành công nghiệp “bền vững”?

Hiện Mỹ là nước dẫn đầu xuất khẩu vũ khí toàn cầu, với 35% thị phần năm 2011, Anh đứng thứ 2 với 15% thị phần, chỉ nhỉnh hơn một chút so với Nga và Pháp. Ngoài vũ khí, chỉ có vài ngành công nghiệp Anh vẫn còn chiếm thứ hạng cao toàn cầu, như dược phẩm và nhạc pop. Nhưng giá trị của xuất khẩu vũ khí rất khó tính toán vì bản chất phức tạp và kém minh bạch của ngành này.

Khách hàng truyền thống của ngành vũ khí Anh nhiều năm qua là các nước Trung Đông, và cả Mỹ. Barrow là thị trấn “thủ phủ” hoạt động sản xuất vũ khí của Anh, từ những năm 1880 nơi đây đã có các nhà máy đóng tàu chiến và vũ khí, sản phẩm của thị trấn được bán cho các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, Israel, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và chính các quân đoàn của Anh.

Các công ty Anh nay đa dạng hóa hoạt động sang các hợp đồng dịch vụ lợi nhuận cao như dịch vụ đào tạo cách sử dụng các sản phẩm vũ khí của Anh, cũng như dịch vụ bảo trì các sản phẩm đó; cung cấp hệ thống cảnh báo, theo dõi, các thiết bị pháp y và bảo vệ chống hacker. “Rất nhiều tiền được chi cho tình báo, trinh sát và gizmos điện tử, uyển ngữ của ngành công nghiệp ”máy giết người” - nhà quan sát Chalmers nói.

Tại Barrow nay người ta không còn sản xuất tàu sân bay, tàu khu trục hay tàu chiến trên mặt nước. Hoạt động sản xuất súng và súng máy cũng đã trở thành dĩ vãng. Ngành sản xuất còn lại là tàu ngầm, và được xem là niềm tự hào của địa phương. Hiện Barrow là nơi sản xuất tàu ngầm hạt nhân lớp Astute trang bị vũ khí thông thường.

Khi còn làm thủ tướng, cũng như ông Cameron, ông Blair đã đi nhiều nơi để vận động cho các hợp đồng mua bán vũ khí, chẳng hạn như với Ấn Độ, Saudi Arabia và CH Czech. Năm 2006, ông gây áp lực buộc Văn phòng Tội phạm nghiêm trọng (SFO) hủy bỏ việc điều tra đưa hối lộ của Tập đoàn BAE cho các quan chức Saudi Arabia để đạt các hợp đồng. Nhưng ông Blair không ủng hộ ngành vũ khí công khai ra mặt và cũng không có vẻ quyết tâm như ông Cameron.

Những đe dọa thực sự đối với ngành vũ khí Anh dường như không có, vì bản thân Anh đã là nhà chi tiêu quân sự lớn thứ 4 thế giới với 34 tỷ bảng/năm (51,55 tỷ USD). Nhưng từ khi chính phủ liên minh triển khai các gói khắc khổ, ngành quốc phòng đã bị cắt giảm đáng kể, hàng ngàn nhân công trong ngành bị mất việc.

Đó không phải là tình cảnh của riêng nước Anh. Ngành quốc phòng ở các nước phương Tây khác cũng bị thu hẹp vì khủng hoảng kinh tế. Những chuyến công du có liên quan đến mua bán vũ khí của ông Cameron sang châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông phần nào cho thấy thực tế ngành công nghiệp vũ khí phải mở rộng thị trường sang những khu vực ngoài phương Tây - nơi Anh đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu vũ khí đáng gờm như Mỹ và Pháp.

Ông Cameron hy vọng sẽ đạt được hợp đồng bán máy bay chiến đấu Typhoon cho Ấn Độ, điều này phụ thuộc vào việc Ấn Độ hủy bỏ đặt hàng đối với chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Trước đó, ông phải bảo vệ hãng sản xuất máy bay trực thăng liên minh giữa Anh và Ý AgustaWestland, trước các chỉ trích cho rằng công ty mẹ của hãng này là Finmeccanica đã đưa hối lộ để đạt được hợp đồng mua trực thăng của Ấn Độ.

Tranh cãi

Nhưng hoạt động buôn bán vũ khí cũng bị chỉ trích nhiều vì nó có thể góp phần làm gia tăng xung đột ở các quốc gia. Mới đây, các nhà ngoại giao phương Tây chỉ trích Nga đã vi phạm cam kết khi cung cấp vũ khí cho chính quyền Syria để chống lại quân nổi dậy. Cách nay 1 tháng, dưới sự làm chứng của Anh, Nga đã ký cam kết không cung cấp vũ khí cho Syria để giữ khoảng cách với Tổng thống Bashar al-Assad, người đang bị nhiều chỉ trích và có nguy cơ bị lật đổ sớm.

Tuy nhiên, Nga nói họ có trách nhiệm phải hoàn thành những hợp đồng đã ký kết trước đó. Nga cho rằng họ có quyền tiếp tục cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria vì các nghị quyết của LHQ không cấm điều đó. Anatoly Isaikin, giám đốc công ty vũ khí Nga Rosoboronexport, nói: “Nếu LHQ không cấm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành các hợp đồng đã ký kết”.

Bên cạnh các hệ thống phòng thủ không quân và hải quân, Kremlin đang chuẩn bị bán những chiến đấu cơ Yak-130 có khả năng trang bị tên lửa đối đất cho chính quyền của ông Assad, theo các quan chức Mỹ và châu Âu. Trước đó, chính quyền Syria đã dùng chiến đấu cơ để tấn công nhiều vùng dân cư đông đúc, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Hiện Nga có một hợp đồng trị giá 550 triệu USD để cung cấp 36 chiếc Yak cho Syria. Năm ngoái, một chiếc tàu của Nga chở máy bay trực thăng chiến đấu, súng và tên lửa đã bị buộc phải quay về, sau khi các nhà bảo hiểm Anh rút lui không bảo hiểm cho chiếc tàu.

Chính phủ Anh rất mạnh miệng trong việc chỉ trích vi phạm cam kết của Nga lần này. Tuy nhiên, bản thân họ lại bị chỉ trích khi bán vũ khí cho Sri Lanka. Số liệu của chính phủ cho biết Sri Lanka đã mua được hàng triệu bảng tiền vũ khí từ các công ty Anh, dù nước này đang bị phương Tây chỉ trích dữ dội vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Vũ khí bán cho Sri Lanka bao gồm những món như súng lục, súng trường, áo giáp… dù Bộ Ngoại giao Anh vẫn xếp nước Nam Á này vào diện “đáng lo ngại” về vi phạm nhân quyền. Theo số liệu từ Chính phủ Anh, trong 3 tháng từ tháng 7 - 9 năm ngoái, Anh đã xuất khẩu 3,71 triệu bảng vũ khí sang Sri Lanka. Trong đó, có 600 súng trường tấn công, 650 súng trường, 100 súng ngắn, 50 súng lục chiến đấu, 330.000 bảng tiền đạn dược, và 655.000 bảng áo giáp.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem