Nhận ngân hàng 0 đồng Oceanbank và CBBank, Vietcombank và MBB hưởng lợi gì?
Nhận ngân hàng 0 đồng Oceanbank và CBBank, Vietcombank và MBB hưởng lợi gì?
Linh Anh
Thứ ba, ngày 15/10/2024 07:00 AM (GMT+7)
Dự kiến ngày 17/10 tới Ngân hàng Nhà nước sẽ họp và công bố về việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng CBBank và OceanBank cho 2 ông lớn Vietcombank và MBBank. Nhận 2 ngân hàng 0 đồng này, Vietcombank và MBBank sẽ được hưởng lợi gì?
Nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, các "ông lớn" có thể được nới tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư ngoại từ 30% lên 49% và được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc,...
Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng sau một giai đoạn dài khó khăn.
Đáng chú ý, theo dự đoán, nhiều khả năng Vietcombank và MBBank sẽ là đơn vị nhận chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng.
Sức khỏe của Vietcombank, MBank và 2 ngân hàng 0 đồng OceanBank, CCBank trước ngày chuyển giao
Dữ liệu báo cáo tài chính bán niên cho thấy, lũy kết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank đạt gần 20.835 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lợi nhuận nửa đầu năm cao kỷ lục của nhà băng này.
Đối với MBBank, 6 tháng đầu năm dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 10,3% so với năm 2023. Kết quả, MBBank báo lãi trước thuế đạt 13.168 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, nhiều năm nay, 2 ngân hàng 0 đồng OceanBank và CBBank không công khai báo cáo tài chính. Tuy nhiên, ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch HĐT OceanBank từng chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2024 rằng OceanBank vẫn đang hợp tác chiến lược toàn diện cùng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Theo đó, tổng tài sản năm 2023 của OceanBank tăng trưởng 23%, vượt 13% kế hoạch. Dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng này hết năm 2023 tăng trưởng 13%, vượt chỉ tiêu 104% kế hoạch.
Lãnh đạo OceanBank cho biết, tính đến 31/12/2023, kết quả thu hồi, xử lý nợ có vấn đề đạt 407 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch. Sau hơn 8 năm tái cơ cấu, ngân hàng đã xử lý và thu hồi trên 13.000 tỷ đồng nợ có vấn đề.
Nhận chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng, Vietcombank và MBBank hưởng lợi gì?
Đề cập đến lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, lãnh đạo Vietcombank từng khẳng định: Đây là một phần trách nhiệm và cũng là cơ hội cho Vietcombank. Bởi ngân hàng chỉ làm tốt khi nằm trong một hệ thống ngân hàng ổn định.
Mặt khác, Vietcombank có thể nhận được sự hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc. Điều này tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
Ngoài việc được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc. Nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).
Còn với MBBank, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo nhà băng này cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MBBank có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5~ 2 lần trong dài hạn. Đồng thời, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Cùng với đó, với việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MBBank và tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MBBank tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MBBank.
Không chỉ vậy, trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MBBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MBBank có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MBBank.
Ngoài ra, theo quy định, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.
Tuy nhiên, dù Vietcombank không được hưởng cơ chế này, nhưng bù lại, nhà băng này có thể được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng), thay vì phải chi một phần cổ tức tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính như các năm trước.
Không chỉ vậy, với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.