Các thủy điện vừa và lớn tại Việt Nam: Đảm bảo an toàn đập thế nào?

Việt Hà Thứ hai, ngày 17/09/2018 06:00 AM (GMT+7)
Sau sự cố vỡ đập Thủy điện của Lào, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi về xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam, đặc biệt là về đảm bảo an toàn cho hạ du.
Bình luận 0

Những yêu cầu khắt khe

Theo ông Bùi Thức Khiết - nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước, nhà máy thủy điện là công trình rất phức tạp, quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn xây dựng.

img

 Thủy điện Hòa Bình

Ông Khiết dẫn chứng, khi thi công đập Nhà máy Thủy điện Thác Bà, các chuyên gia Liên Xô (cũ) hướng dẫn và kiểm tra rất kỹ, với những yêu cầu cực kỳ khắt khe. Phần lớn đất ở Việt Nam có độ ẩm cao, nên cần sấy khô trước khi đưa vào đắp đập để đảm bảo độ ẩm phù hợp. Ngoài ra, thành phần hạt trong đất cũng là một tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng khi lựa chọn đất để đắp đập phụ. Tiếp đó là đầm nén. Khi đắp đập, chỉ đắp 20cm/lớp và phải đầm đến khi nào đạt tiêu chuẩn mới được đắp sang lớp khác...

Cùng với đó, các hạng mục đắp đất đều phải hoàn thành trong mùa khô. Tuy nhiên, với đập chính, không thể hoàn thành trong một mùa khô. Trong trường hợp đó, sẽ có quy trình hướng dẫn khi mưa xuống phải làm như thế nào, cần xử lý bề mặt ra sao để tiếp tục đắp đập đảm bảo yêu cầu chất lượng…

Còn khi nhà máy đi vào vận hành, phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập; đồng thời, liên tục theo dõi và quan trắc, đo hệ số nước thấm, kiểm tra mặt đập,… để phát hiện kịp thời các tình huống, bởi chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn tới sự cố lớn.

Các công trình thủy điện đều được đánh giá an toàn đập trước mùa mưa bão. Hiện nay, không chỉ có thủy điện lớn mà các thủy điện nhỏ đều phải lập báo cáo an toàn gửi về Bộ Công Thương. Riêng với những công trình trên 50 MW, hàng quý, hàng năm, Tổ nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước đều kiểm tra chất lượng công trình, đánh giá tình trạng hoạt động.

Theo ông Bùi Thức Khiết, hiện các công trình thủy điện ở nước ta đều đang được quản lý khá chặt chẽ. Do vậy, có thể yên tâm về vấn đề an toàn hồ đập, đặc biệt là thủy điện vừa và lớn.

Không được phép chủ quan

Dù đã và đang được quản lý chặt chẽ nhưng sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào cũng cho Việt Nam bài học kinh nghiệm, đó là cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn đập. Theo ông Bùi Thức Khiết, đối với công trình thủy điện, khi xây dựng, chủ đầu tư cũng đã có đánh giá, tính toán về rủi ro an toàn đập, nhằm đảm bảo công trình gần như an toàn tuyệt đối. Ví dụ, với Thủy điện Hòa Bình, khi xây dựng đã tính tới tình huống công trình sẽ gặp những cơn lũ với tần suất 1 vạn năm mới có 1 lần; trong khi đó, từ trước tới nay, ở Hòa Bình mới quan trắc được lũ có tần suất 100 năm mới có 1 lần. Tuy nhiên, đối với vùng hạ du, cũng cần xây dựng các kịch bản rủi ro.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tài Sơn – nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 cho biết, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư phải phổ biến cho người dân và chủ các công trình liên quan trong những khu vực bị ảnh hưởng về những rủi ro có thể xảy ra. Đồng thời, tổ chức diễn tập nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn, năng lực ứng phó cho người dân, giúp họ chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Sơn, các công trình thủy điện cần phải thực hiện đúng tiến trình đánh giá an toàn đập. Đánh giá này phải có chu kỳ, không chỉ dừng lại ở công tác thiết kế; mà phải theo định kỳ 3 năm, 5 năm, 10 năm…, để bổ sung, nâng cấp khi cần. Khi thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường không được phép chủ quan trong mọi tình huống.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay đập và hồ chứa thủy điện là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật như nhóm về lĩnh vực xây dựng; nhóm về quản lý an toàn đập, an toàn cho vùng hạ du và vận hành hồ chứa; nhóm về khí tượng thủy văn; nhóm về tài nguyên nước…

Có thể khẳng định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy điện đã tương đối đầy đủ, nhưng còn có những nội dung chưa phù hợp với diễn biến thực tế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 theo hướng bổ sung những nội dung cần thiết về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện phù hợp với tình hình hiện nay; bổ sung quy định chi tiết thi hành một số nội dung về cắm mốc xác định vùng phụ cận bảo vệ đập… Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ TNMT rà soát, hiệu chỉnh quy trình vận hành liên hồ cho phù hợp với đặc thù lưu vực sông và các công trình thủy điện vận hành theo quy trình. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ trì xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung/thay thế các thông tư liên quan đến quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế đang diễn ra hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem