Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị như thế tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống bệnh khảm lá (gọi tắt là BCĐ) ngày 30.10 tại Tây Ninh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh thành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá ở cấp tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo báo cáo từ Cục BVTV, diện tích nhiễm khảm lá mì vẫn tiếp tục gia tăng sau thời điểm Bộ NNPTNT tổ chức cuộc họp khẩn lần thứ 2 tại TP.HCM hồi tháng 8 vừa qua.
Tính đến ngày 9.10.2018, diện tích nhiễm khảm lá mì ở 12 tỉnh đã lên gần 41.985 ha; tăng gần 9.500 ha so với tháng 8. Ghi nhận tại số địa phương cụ thể như Tây Ninh, tổng diện tích nhiễm khảm lá tăng từ 32.520 ha lên 34.975 ha. Tỉnh Đồng Nai tăng từ 115 ha lên 361 ha; tỉnh Đăk Lăk tăng từ 167 ha lên 1.042 ha; tỉnh Bình Phước tăng từ 408,5 ha lên 2.000 ha; tỉnh Bình Thuận từ 14,8 ha tăng lên 105 ha; tỉnh Ninh Thuận từ 400 ha tăng lên 513 ha...
Năng suất mì (phải) bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau nhiễm bệnh khảm lá.
Ông Lê Quốc Cường – Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho hay, hiện bà con nông dân ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) đang thu hoạch mì. Hom giống được nông dân bày bán khắp dọc đường.
Điều đáng ngại tất cả nguồn giống này đều đã mang triệu chứng khảm lá nhưng bà con vẫn dùng để trồng tiếp vụ sau. “Trong khi mùa vụ trước, giống HLS11 bị nhiễm bệnh nặng và trồng trên diện tích rộng, không kiểm soát nổi. Quá trình canh tác liên tục sẽ làm cầu nối cho dịch bệnh tiếp tục lây lan”, ông Cường cảnh báo.
Với tư cánh Trưởng BCĐ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: “Với tình hình như thế này, các tỉnh thành khác không thể ngồi yên được nữa. Đừng thấy tỉnh mình chưa bị nhiễm hay mới bị nhiễm ít mà bình yên được đâu”
Theo Thứ trưởng, việc thành lập BCĐ là để thống nhất quan điểm chỉ đạo giữa cấp Bộ với địa phương trong các giải pháp thực hiện cả trước mắt lẫn lâu dài.
Diện tích bị lây nhiễm bệnh khảm lá có nguy cơ vượt ra phạm vi 12 tỉnh thành đã công bố. Ảnh: Nguyên Vỹ
Về trước mắt, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh thành nào chưa có BCĐ phải xem xét thành lập BCĐ cấp địa phương; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để nhận biết và cách thức phòng trừ căn bệnh.
Khâu quản lý và sử dụng nguồn giống là rất quan trọng. Tuyệt đối không dùng hom giống từ nơi bị bệnh trồng ra nơi khác. Đồng thời thực hiện đúng quy trình phòng trừ bệnh khảm lá đã được Cục BVTV ban hành một cách nghiêm túc từ xử lý hom giống đến các loại thuốc phòng trừ.
Thứ trưởng Doanh cũng cho biết vấn đề đáng lưu ý nữa là khâu canh tác. Vừa qua bà con nông dân thấy giá mì lên cao đã đẩy mạnh năng suất, bón quá nhiều phân hóa học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm cho cây mì suy yếu, bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bộ NNPTNT đề nghị tăng cường canh tác mang tính bền vững, tăng sử dụng nguồn phân bón hữu cơ.
Bộ NNPTNT đề nghị hạn chế sử dụng phân bón vô cơ để tăng cường canh tác mang tính bền vững cho cây mì. Ảnh: Nguyên Vỹ
Về lâu dài, Bộ NNPTNT vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ cùng với các đối tác quốc tế phối hợp nghiên cứu, chọn tạo nguồn giống kháng bệnh.
Đồng thời, các cơ quan thuộc Bộ cần sớm nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác tổng hợp để giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe cây mì.
“Với các tỉnh thành, cần tăng cường liên kết trong khâu quản lý giống. Phải kiểm soát cho bằng được tình trạng lưu chuyển giống nhiễm bệnh từ tỉnh này sang tỉnh kia. Ngay trong tỉnh cũng phải quyết liệt khoanh vùng và dập dịch ngay khi mới phát hiện ở diện tích nhỏ. Thống nhất từ BCĐ cấp tỉnh tới từng người trồng mì trong quan điểm chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá”, Thứ trưởng chỉ đạo. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.