Cụ thể, theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đến nay bệnh khảm lá mì đã xuất hiện, gây hại ở 12 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, Gia Lai và Phú Yên.
Hiện đã có 12 tỉnh thành nhiễm dịch khảm lá mì. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tính đến giữa tháng 9, tỉnh Gia Lai đã có gần 60ha bị nhiễm khảm lá mì ở 3 huyện: La Pa, Phú Thiện, Krông Pa, bệnh gây hại tập trung trên các giống KM419 và HL-S11.
Cuối tháng 8, tỉnh Đăk Lăk cũng phát hiện 1.130ha mì bị bệnh khảm lá, tập trung tại các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Pắc, Ea H’leo. Trong đó, có 165ha nhiễm nặng trên 70%.
Ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), nhiều diện tích mì đang bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh khiến người dân phải nhổ bỏ. Đây là loại bệnh lần đầu tiên gây hại ở vùng trồng mì trong tỉnh, khiến nông dân lo lắng.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên) cho biết, Chi cục đã yêu cầu các địa phương phải điều tra, khảo sát diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Đồng thời hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý bệnh. Do chưa có thuốc đặc trị, nên ngoài việc quản lý tốt nguồn giống, biện pháp tối ưu hiện nay là tiêu hủy ngay mì đã nhiễm bệnh.
Người dân tỉnh Bình Dương vào vụ mì mới trong khi vẫn chưa có nguồn giống kháng bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Niên vụ 2017 - 2018, do giá mía giảm, giá mì cao nên nhiều người phá mía trồng mì. Hiện, diện tích mì toàn tỉnh Phú Yên lên đến 24.000ha, vượt 5.000ha so với quy hoạch.
Còn theo ghi nhận của Trung tâm BVTV miền Trung, tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có trên 300ha mì bị bệnh khảm lá, tập trung tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Đăk Lăk.
Trong khi đó tại Tây Ninh, tính đến giữa tháng 9 đã có hơn 34.450ha mì nhiễm bệnh, chiếm 96,2% diện tích sản xuất. Để khống chế nguồn bệnh lây lan, Bộ NNPTNT đã tạm thời cho phép tỉnh này dùng 2 loại hoạt chất có tính lưu dẫn là Dinotefuran và Pymetrozine để chống dịch trên địa bàn. Trước đó, Sở NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm đầu mối giới thiệu các địa chỉ cung cấp giống mì KM94 sạch bệnh được đưa từ các địa phương khác về.
Năng suất mì bị ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh khảm lá gây nên. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Tây Ninh đã cung cấp 30.000 bó cây giống cho nông dân, nhưng hiện các tỉnh lân cận đều đã nhiễm bệnh nên thời gian tới không có nguồn cung cấp giống sạch bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Tây Ninh, trong năm 2017, Sở NNPTNT đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc trồng khảo sát nhiều loại giống mới. Trong vụ hè thu năm 2018, loại giống mới có tên gọi HLS12 tiếp tục được trồng thử nghiệm.
“Tuy nhiên, khi cây được 20 – 30 ngày tuổi thì xuất hiện triệu chứng bệnh với tỷ lệ 70%. Đến nay, vẫn chưa tìm được giống có khả năng chống chịu với bệnh khảm lá”, ông Hồng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.