Có 44 trường tiểu học được giám sát phòng chống dịch chặt chẽ, 300 nhà trẻ, mầm non được tiến hành phun thuốc khử trùng môi trường (Cloramin B). Theo bà Phan Thuận Nhi - Trưởng phòng Mầm non, nếu phát hiện có trẻ bị mắc tay chân miệng trong lớp học, sẽ đóng cửa tạm thời trường đó và cách ly những trẻ có nguy cơ lây bệnh.
Hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, cũng đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan phối hợp tập trung phòng dịch tay chân miệng. Yêu cầu đặt ra với ngành giáo dục là chỉ đạo với các trường tiểu học, mầnm non, nhóm trẻ... cần tăng cường phát hiện sớm trẻ mắc bệnh để báo cáo và cách ly kịp thời.
Trong 3 tỉnh trên, Quảng Ngãi là nơi có dịch bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh nhất với cả 14/14 huyện, thị có bệnh nhân. Cả tỉnh có trên 3.350 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 ca tử vong. TP.Đà Nẵng có hơn 300 bệnh nhân nhi mắc bệnh. Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, dịch có nguy cơ bùng phát trong tháng 8 và 9 - thời điểm học sinh tựu trường.
* Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ thị, yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng đang lan rộng trên địa bàn tỉnh này. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ 7.6, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên, đến thời điểm này, trên địa bàn Thanh Hóa đã có 788 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 25 huyện, thị, thành phố. Trong đó, có 2 bệnh nhân tại xóm 3 xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn đã tử vong.
Vũ Vân Anh - Công Xuân - Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.