Các tổng biên tập giải "bài toán" nguồn thu cho báo chí thời hậu Covid-19

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 11/06/2020 14:06 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các tờ báo giảm không dưới 50% nguồn thu. Duy trì chất lượng sản phẩm báo chí, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo về cách làm báo, phát hành, hoạt động của cơ quan báo chí... là những cách thức mà báo chí đang nỗ lực áp dụng để tăng nguồn thu và tăng tiếp cận bạn đọc.
Bình luận 0
Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" trong bối cảnh hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Diễn đàn Tổng Biên tập “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”.

Sáng 11/6, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu". Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Gala báo chí lần thứ hai 2020 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

Báo chí suy giảm mạnh nguồn thu

Mở đầu diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy - Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận phát biểu: "Việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch Covid-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng, càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí. Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa".

Để duy trì được hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, theo ông Hồ Quang Lợi, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí, vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới. Tuy nhiên, hiện giờ, doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm trong nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. Do vậy, việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, mà vẫn giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toàn cần có lời giải kịp thời.

Tham luận tại diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cũng nhận định: Báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh.

"Với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới", ông Phúc dẫn chứng.

Ông Phúc cũng cảnh báo: Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống.

Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, hiện nay, các kênh quảng cáo số, đặc biệt là Facebook, Google... đã chiếm đa số chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Vì vậy, nguồn thu của báo chí nói chung sẽ ngày một thu nhỏ lại đến mức các báo không còn nguồn thu. 

Nhiều tờ báo, đặc biệt là các tờ báo không có bao cấp, có nguy cơ phải tự giải thể hoặc thu hẹp. Số khác buộc phải xoay xở bằng các nguồn thu khác như: các hoạt động ngoài mặt báo như tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Google, Facebook... và vì thế dẫn đến không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

"Có các hoạt động "thúc ép" doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của nhiều tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh. Bị "mắc kẹt" trong cái bẫy "hợp đồng truyền thông" như vậy báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả", ông Phúc nêu thực trạng.

Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải "đi hai chân", vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua. Vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền" sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo.

Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" trong bối cảnh hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt chia sẻ hai điều kiện tiên quyết để đa dạng hóa, nâng cao nguồn thu

Các Tổng biên tập giải bài toán "nguồn thu"

Cùng tham luận tại diễn đàn, Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ hai điều kiện tiên quyết để đa dạng hóa, nâng cao nguồn thu.

"Mọi giải pháp phát triển nguồn thu đều dựa trên việc phục vụ những độc giả trung thành của tờ báo", nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/báo điện tử Dân Việt.

Thứ nhất là, dù làm gì vẫn phải chú ý đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí của mình. Dù chúng ta có làm kinh tế giỏi đến đâu mà chất lượng tờ báo bị coi nhẹ, thì sớm muộn cũng mất uy tín, mất hình ảnh, mất thương hiệu trong lòng bạn đọc. Tờ báo muốn sống được, tồn tại lâu hay không chính nhờ vào chất lượng các bài viết, các chuyên mục có chạm được đến cảm xúc, trái tim của bạn đọc hay không.

"Hai là mọi giải pháp phát triển nguồn thu đều dựa trên việc phục vụ những độc giả trung thành của tờ báo. Đối với Báo Nông thôn Ngày này, đó là những độc giả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn", nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh.

Chia sẻ cụ thể về các giải pháp để phát triển nguồn thu, nhà báo Lưu Quang Định cho biết Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt đã triển khai 9 giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nguồn thu.

Thứ nhất cố gắng phát triển lượng bạn đọc báo giấy trước tình hình đà sụt giảm chung của báo giấy. Xây dựng "hành lang pháp lý" thông qua việc trực tiếp tham mưu Đại hội Trung ương Hội Nông dân lần thứ 8 thông qua việc 100% chi hội nông dân có Báo Nông thôn ngày nay.

Thứ hai, tăng cường các hình thức phát hành sản phẩm báo chí trên các nền tảng media khác nhau như website, Youtube, Zalo, TikTok… Sử dụng tối đã hình ảnh, clip, đồ họa… để tăng cường lượng truy cập, từ đó tăng nguồn thu từ việc quảng cáo.

Thứ ba là xây dựng các chuyên trang có thu tiền dựa trên tôn chỉ "Sát cánh cùng nông dân Việt" với các nội dung thiết thực cho nông dân, như thời tiết nông vụ, giá cả thị trường, các bài phân tích có tính chuyên môn cao…

Bên cạnh đó, Báo Nông thôn Ngày nay cũng đưa ra các giải pháp khác như tổ chức sự kiện, tổ chức các cuộc thi, tích cực phát triển các thông tin đặt hàng, xuất bản đặc san, trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chủ đạo là nông nghiệp…

Trong tương lai, Báo Nông thôn Ngày nay dự định sẽ đẩy mạnh hướng kinh doanh như thành lập công ty du lịch chuyên kinh doanh các sản phẩm du lịch nông nghiệp trong và ngoài nước, thành lập trung tập giới thiệu người giúp việc thuộc Báo Nông thôn Ngày nay, trực tiếp xây dựng 1 trang trại kiểu mẫu thuộc Báo Nông thôn Ngày nay...

Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" trong bối cảnh hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo Điện tử VTC News phát biểu tại hội thảo.

Nhà báo Ngô Văn Hải – Tổng biên tập Báo điện tử VTC News, cũng nêu ý kiến về 5 cách duy trì nguồn thu mà VTC đã áp dụng.

"Bị "mắc kẹt" trong cái bẫy "hợp đồng truyền thông", báo chí dễ đánh mất dần niềm tin của độc giả", Cục trưởng Lưu Đình Phúc nêu thực trạng.

Với tư cách là đơn vị làm truyền hình và báo điện tử, nhà báo Ngô Văn Hải cho biết, thực trạng hiện nay là nhà mạng được hưởng lợi từ báo chí. 

Như vậy nhà mạng hoạt động dựa vào phần lớn thông tin báo điện tử, việc trả tiền cho báo điện tử là giải pháp cần kiến nghị, phải có quy định rõ ràng buộc các nhà mạng xã hội phải trả tiền cho nội dung báo chí. Vấn đề này không phải là mới nhưng cần có những quyết định cụ thể. Việc này nên có một đầu mối đứng ra làm và đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội, và đầu mối đó nên là Hội Nhà báo Việt Nam.

Chia sẻ về một trong những nguồn thu quan trong của Báo điện tử VTC News, nhà báo Ngô Văn Hải cho biết: VTC News đã chú trọng vào việc làm thuê tin tức, lập đội phóng viên làm thuê cho các đơn vị không có đủ lực và không có chức năng làm báo để họ có thông tin độc quyền, còn VTC News thì có nguồn thu. Các mảng mà Báo Điện Tử VTC News làm theo phương thức này là thể thao và giải trí. 

Ngoài ra, VTC News cũng duy trì, kiên trì thu phí nội dung với độc giả; thu phí của các nhà mạng trong nước và quốc tế; bán bản quyền...

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng khẳng định: Bối cảnh khó khăn hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về hình thức thu phí. Mọi người dân được xem các kênh truyền hình thiết yếu không bị thu phí, nhưng các kênh giải trí khác có chất lượng thì đều có thu phí. 

"Khi báo chí cùng tham gia vào hệ sinh thái số có thu phí thì cần có chính sách thắt chặt và kiểm soát gắt gao hơn nữa về vấn đề bản quyền. Báo chí, truyền thông của chúng ta đang sản xuất nội dung rồi chủ động đưa (hoặc bị đưa) tài nguyên đó vào nền tảng phát hành xuyên biên giới để được nhiều người tiếp cận và có chút đỉnh nguồn thu. Nhưng làm như thế, chính chúng ta đang tạo ra giá trị cho các nền tảng xuyên biên giới, làm mất đi lợi thế ảnh hưởng của báo chí".

Ông Phúc phân tích và đi đến kết luận: "Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai".

Diễn đàn Tổng Biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu" còn thảo luận các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, vai trò của báo chí trước thực trạng hiện nay. Tổng biên tập các tờ báo đã đưa ra nhiều ý kiến cũng như các đề xuất kiến nghị tới Hội Nhà Báo Việt Nam để tìm ra những giải pháp hỗ trợ báo chí trong bối cảnh hiện nay...

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về diễn đàn này trong các bản tin tiếp theo.

"Những người làm báo thường được nhắc về việc chống xu thế "thương mại hóa báo chí". Tôi cho rằng cách nói ấy không thật sự chính xác. Một tờ báo được bán ra sạp, có giá tiền cụ thể, là 1 sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, đây là 1 sản phẩm hàng hóa đặc biệt, khi sứ mệnh thông tin của báo chí cách mạng phải là tiêu chí hàng đầu, vượt lên trên mọi yêu cầu của 1 sản phẩm hàng hóa thông thường. Nhưng mặc dù sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm đặc biệt như thế, nhưng bản chất về kinh tế thì cơ quan báo chí lại hạch toán như doanh nghiệp. Báo chí phải đóng tất cả các loại thuế, cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Một cơ chế doanh nghiệp thuần túy áp dụng cho loại hình doanh nghiệp "đặc biệt" như cơ quan báo chí, rõ ràng là điều bất cập", nhà báo Nguyễn Thanh Bình Tổng Biên tập báo An ninh Thủ đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem