Các trường tại TP.HCM tổ chức bán trú thế nào khi F0 đang ngày một tăng?

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 23/02/2022 10:10 AM (GMT+7)
Tổ chức bán trú giúp học sinh, phụ huynh không phải di chuyển nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, giữa tình hình F0 xuất hiện ngày một tăng trong trường học, công tác bán trú đang gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Nỗ lực tổ chức bán trú an toàn

Khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, hầu hết phụ huynh đều có nhu cầu cho con học bán trú để tiện cho việc đưa đón. Không phải ai cũng có điều kiện để đến trường đón con lúc 10h30 trưa và đưa con đến trường trở lại ở đầu giờ chiều.

Tuy vậy, sau gần hai tuần tổ chức học trực tiếp, các ca F0 phát hiện trong trường học có chiều hướng gia tăng. Việc ăn, ngủ cùng nhau sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho học sinh - nhất là các em bậc mầm non, tiểu học và lớp 6. Đây là các đối tượng chưa được chích vaccine Covid-19 và cũng là lứa tuổi thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Các trường tại TP.HCM tổ chức bán trú thế nào khi F0 đang ngày một gia tăng? - Ảnh 1.

Học sinh trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3) ăn trưa trong lớp học, đảm bảo an toàn, giãn cách. Ảnh: NTCC

Theo ghi nhận, tại trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (quận 8), nhà trường đang nỗ lực để thực hiện bán trú an toàn cho học sinh. Theo cô Lê Huỳnh Diễm Thúy – Hiệu trưởng, do trường áp dụng mô hình tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực, quốc tế, nên sĩ số học sinh ở các lớp thấp. Nhờ vậy, nhà trường không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Trường hiện có gần 1.000 học sinh, trong số đó, có đến 85% phụ huynh học sinh đăng ký cho con học bán trú. Với số lượng học sinh bán trú đông, trường phải tính toán giờ giấc, xếp chỗ sao cho phù hợp, tránh tập trung đông đúc.

Theo cô Thúy, cấp dưỡng và bảo mẫu sẽ vào trường rất sớm để vệ sinh bếp ăn, nhập nguyên liệu và chế biến món ăn cho học sinh trong ngày. Đến 10h sáng, 3 cấp dưỡng và 9 bảo mẫu thay phiên nhau xếp đồ ăn lên, chuyển ra bàn ăn cho học sinh. Món ăn cho học sinh được thay đổi theo ngày, có đầy đủ các món mặn, xào và canh, tráng miệng.

Nhà trường bố trí chia ca, chia giờ ăn nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn cho học sinh. Khoảng 10h30, các em bắt đầu xuống ăn theo ca định sẵn. Trước khi vào bàn ăn, học sinh được yêu cầu rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách... để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.

Các trường tại TP.HCM tổ chức bán trú thế nào khi F0 đang ngày một gia tăng? - Ảnh 3.

Giờ ăn trưa của học sinh trường tiểu học Bông Sao (quận 8). Ảnh: M.T

Tương tự, tại trường Tiểu học Bông Sao (quận 8), nhà trường tổ chức bán trú cho khoảng 1.500 học sinh. Trong khi đó, nhà ăn của trường chỉ có sức chứa khoảng 800 chỗ.

Để tránh tình trạng tập trung đông đúc và phải chia ca gây tốn thời gian nghỉ ngơi giờ trưa của học sinh, nhà trường đã tận dụng nhà ăn phụ ngoài sân và lớp học để phục vụ bữa ăn trưa.

Dù vậy, theo lãnh đạo nhà trường, sức chứa vẫn không đáp ứng đủ để an toàn phòng dịch nên nhà trường vẫn phải dời một số lớp ăn sau khoảng 15 phút.

Ngoài ra, một khó khăn khác của trường trong công tác tổ chức bán trú đó chính là nguồn nhân lực hạn hẹp. Với số học sinh như trên, trường chỉ có khoảng 25 cấp dưỡng và bảo mẫu nên công việc quá tải. Giáo viên chủ nhiệm, giáo sinh của trường phải tăng cường để hỗ trợ, phục vụ học sinh, đồng thời nhắc nhở giữ nề nếp phòng chống dịch.

Phụ huynh chủ quan?

Lãnh đạo trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3) cho biết, công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với học sinh, giáo viên luôn được nhà trường đảm bảo ở mức cao nhất. Tuy nhiên, vừa mở cửa trường học trở lại, trường đã có 2 lớp phải chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Đến cuối cuối tuần trước, có đến 8/20 lớp phải chuyển sang hình thức học này vì phát sinh F0.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường, dù đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng việc tập trung một số lượng lớn học sinh đã gây nhiều khó khăn. Nhiều học sinh chưa thật sự có ý thức về việc đeo khẩu trang, ham vui, lại sinh hoạt trong không gian hẹp nên rất dễ lây bệnh.

Các trường tại TP.HCM tổ chức bán trú thế nào khi F0 đang ngày một gia tăng? - Ảnh 4.

Ngoài công tác phòng, chống dịch của trường thì việc kết nối với phụ huynh là điều quan trọng để nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh. Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, điều hết sức quan trọng là ý thức của phụ huynh. Theo ông Lâm, có những phụ huynh hoặc người thân dương tính với Covid-19 nhưng vẫn cho con em đi học bình thường. Họ cho rằng, các em không có triệu chứng nhiễm bệnh nên không đáng lo ngại.

Điều này đã để lại rất nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho nhà trường. Khi phụ huynh không thông tin, nhà trường không biết nguy cơ nhiễm Covid-19 để theo dõi, ngăn ngừa lây lan kịp thời. Đến khi nhiều học sinh nhiễm Covid-19, nhà trường phải phun khử khuẩn, đo thân nhiệt, kiểm tra Covid-19 với các em học sinh F1, thực hiện theo đúng các biện pháp phòng chống dịch mà ngành y tế đưa ra... rất vất vả.

Chưa kể, giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc vừa phải dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp.

Để hoạt động dạy và học trực tiếp trong những tuần tiếp theo được diễn ra an toàn, hiệu quả hơn, lãnh đạo trường đã họp với toàn thể giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu cần nắm chắc thông tin từ phía phụ huynh. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh cần gắn kết chặt chẽ với nhà trường.

Trong đó, khi học sinh có người nhà, người thân dương tính với Covid-19 thì tuyệt đối không được vào trường, dù các em không có biểu hiện hay triệu chứng gì.

Nhà trường sẽ kiểm tra chặt chẽ thân nhiệt của các học sinh khi đến trường, thực hiện nghiêm các biện pháp 5K để không xảy ra trường hợp học sinh dương tính ở trường, đảm bảo an toàn và tốt nhất cho sức khỏe của học sinh, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong trường học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem