Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ đúng và hiệu quả nhất

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 17/09/2023 06:49 AM (GMT+7)
Dịch đau mắt đỏ bùng phát khiến nhiều người mắc bệnh, phải nghỉ học, nghỉ làm. Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt.
Bình luận 0

Hiện nay, nhiều địa phương ghi nhận hàng nghìn ca đau mắt đỏ như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Nghệ An... Dịch lây lan nhanh và gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày, khiến nhiều người phải nghỉ làm, nghỉ học.

Không tự ý dùng thuốc trị đau mắt đỏ

Cũng có không ít trường hợp tự ý mua thuốc về điều trị hoặc không giữ vệ sinh gây biến chứng tổn thương giác mặc nặng, có nguy cơ làm giảm thị lực, thậm chí mất thị lực.

Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ đúng và hiệu quả nhất - Ảnh 1.

Dịch đau mắt đỏ lây lan nhanh và gây bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày, khiến nhiều người phải nghỉ làm, nghỉ học. (Một trẻ bị đau mắt đỏ. Ảnh BSCC

Bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã có không ít bệnh nhân xông mắt, đắp mắt bằng lá trầu không và nhiều lá cây khác theo các bài thuốc dân gian dẫn đến bỏng mắt do nhiệt hoặc do tinh dầu.

Một số trường hợp khác bị bội nhiễm do nấm và vi khuẩn ở lá cây xâm nhập qua vết xước giác mạc, gây ra bệnh lý nguy hiểm là viêm loét giác mạc.

"Khi đó, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém kinh phí mà di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mở vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt", bác sĩ Hằng chia sẻ.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, người bệnh khi bị viêm kết mạc nên đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Một số bệnh nhân muốn bệnh khỏi nhanh đã mua nhiều loại thuốc theo chỉ dẫn của người bán thuốc để uống, nhỏ mắt khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

"Viêm kết mạc cấp hiếm khi phải dùng kháng sinh đường tiêm. Thông thường các bác sĩ chỉ kê kháng sinh nhỏ mắt 5 - 7 lần mỗi ngày.

Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ đúng và hiệu quả nhất - Ảnh 2.

Người già và trẻ em có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh đau mắt đỏ và dễ bị bệnh nặng. (Khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh BVCC)

Nếu người bệnh có sốt, sưng hạch, viêm mũi họng thì có thể dùng kháng sinh đường uống như Cefixime, Augmentin....", bác sĩ Hằng chia sẻ.

Cách điều trị và dùng thuốc trị đau mắt đỏ

Để điều trị bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Hằng khuyến cáo, người bệnh nên tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9% nhiều lần là điều rất quan trọng, có tác dụng rửa trôi ghèn dử mắt cùng tác nhân gây bệnh ra ngoài giúp cho mau khỏi bệnh.

Người bệnh có thể sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ mắt ngày 4 - 6 lần để giảm cảm giác khó chịu.

Lưu ý, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt có corticoide phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ nhãn khoa trong một số ít trường hợp.

Đối với những trường hợp viêm có giả mạc làm cho thuốc ngấm vào kết mạc kém, bác sĩ sẽ chỉ định bóc giả mạc 2 - 3 ngày một lần. Khi người bệnh có sốt, đau nhức có thể dùng thuốc hạ sốt giảm đau.

Nếu viêm kết mạc dị ứng bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt có kháng histamine hoặc các loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm, trường hợp nặng có thể thêm corticoid hoặc kháng sinh khi bội nhiễm. Với các trường hợp này cần loại trừ tác nhân gây viêm dị ứng.

Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ đúng và hiệu quả nhất - Ảnh 3.

Người bệnh đau mắt đỏ thận trọng khi mua thuốc nhỏ mắt. Ảnh minh họa BSCC

Đồng thời, bệnh nhân đau mắt đỏ nên ngừng đeo kính áp tròng khi có viêm kết mạc cấp.

Về việc dùng thuốc khi đau mắt đỏ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng nhấn mạnh, thuốc nhỏ đau mắt đỏ là thuốc kháng sinh, dạng dung dịch hoặc dạng mỡ tra để đưa vào mắt, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm triệu chứng đau mắt đỏ.

Hầu hết thuốc nhỏ đau mắt đỏ thường là thuốc kê đơn, áp dụng phổ biến cho những ca đau mắt đỏ nặng.

Ngoài ra, người bệnh đau mắt đỏ có thể sử dụng thêm một số loại thuốc không kê đơn có tác dụng hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh như nước mắt nhân tạo hay thuốc kháng histamine (thuốc dị ứng).

"Người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ đau mắt đỏ nào, tránh khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn", bác sĩ Tùng nhấn mạnh.

Dùng thuốc trị đau mắt đỏ thế nào cho đúng?

Bác sĩ Tùng cho biết, thời gian sử dụng thuốc nhỏ mắt đỏ thường được bác sĩ chỉ định. Thông thường, thời gian sử dụng một loại thuốc trị đau mắt đỏ tối đa chỉ nên là 7 ngày, mỗi ngày nhỏ từ 4 – 6 lần.

Sau 7 ngày, nếu các triệu chứng đau mắt đỏ không thuyên giảm, cần tái khám với bác sĩ để được đổi thuốc khác.

Trong quá trình chữa đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như mắt bị cay, ngứa, nóng rát, đỏ, nổi ban… tương tự với các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ.

Một vài trường hợp có thể bị giảm thị lực. Các biểu hiện này thường giảm sau 2 ngày. Nếu không giảm, bạn cần đến gặp bác sĩ để có phương án xử trí kịp thời.

Bác sĩ Tùng khuyến cáo, khi dùng thuốc trị đau mắt đỏ, để đảm bảo an toàn cho mắt, người bệnh cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt trong 15 – 30 ngày sau khi mở nắp, nếu vượt quá thời gian này, bạn cần mua một lọ thuốc mới.

- Luôn chú ý đến hạn sử dụng của thuốc. Không dùng thuốc khi đã hết hạn sử dụng.

- Trong trường hợp bạn cần nhỏ nhiều loại thuốc nhỏ mắt thì không nên nhỏ liên tiếp vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Bạn hãy đợi 3 – 5 phút rồi mới nhỏ tiếp loại thuốc khác.

- Trường hợp dùng song song thuốc nước và thuốc mỡ thì nên dùng thuốc nước trước, 3 – 5 phút sau mới tiếp tục dùng thuốc mỡ.

- Luôn rửa tay kỹ với xà phòng trước và sau khi nhỏ mắt.

- Khi nhỏ mắt, không để đầu ống nhỏ mắt tiếp xúc trực tiếp với mắt.

- Không dùng tay quẹt mắt.

- Nên nhỏ từng giọt một, không nên nhỏ liên tục nhiều giọt, vừa gây lãng phí thuốc vừa tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, giảm hiệu quả điều trị bệnh.

- Tránh sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người khác, sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

- Luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, tần suất sử dụng.

- Không tự ý dùng các loại lá để xông, đắp lên mắt để tránh làm bệnh nặng hơn.

Cách dùng thuốc trị đau mắt đỏ đúng và hiệu quả nhất - Ảnh 4.

Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt trong 15 – 30 ngày sau khi mở nắp, nếu vượt quá thời gian này, bạn cần mua một lọ thuốc mới. Ảnh minh họa neovisioneyecenter

Phòng bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ Hằng lưu ý, bệnh đau mắt đỏ lây từ người này sang người khác qua nước mắt và dử ghèn có chứa nhiều tác nhân gây bệnh.

Người bị đau mắt đỏ hay lấy tay dụi mắt, sau đó cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây, cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể.

Các phòng khám mắt không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tay và dụng cụ cũng làm lây bệnh từ người này sang người khác.

Một số viêm kết mạc do virus còn lây bệnh qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng.

Do đó, khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.

Để phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Hằng khuyến cáo người dân cần:

- Người bị đau mắt đỏ cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây cho người khác.

- Người bệnh đau mắt đỏ cần: Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc; Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.

- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.

- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. Nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.

- Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem