Bất chấp Mỹ có trừng phạt như thế nào, Triều Tiên vẫn có cách để thu ngoại tệ. Ảnh minh họa.
Theo Washington Post, trong vòng 3 thập kỷ, cựu quan chức Ri Jong Ho là một trong những nhân vật cấp cao đảm nhiệm việc thu ngoại tệ về Triều Tiên. Ông Ri đào tẩu năm 2014 và hiện đang sống ở bang Virginia, Mỹ.
“Cấm vận không bao giờ khiến công việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng”, ông Ri trả lời phỏng vấn. “Tôi đã quen với cấm vận, khi còn là quan chức Triều Tiên phụ trách công tác thương mại. Lệnh cấm vận giống như chỉ để cho có”.
Ông Ri mô tả cách gửi hàng triệu USD trở về Triều Tiên. Việc này khá đơn giản khi chỉ cần thuê một thuyền trưởng lái tàu rời cảng Trung Quốc đến Triều Tiên hoặc đưa cho người tin cậy đang bắt tàu qua biên giới hai nước.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, ông Ri đã đem về cho Bình Nhưỡng 10 triệu USD bằng những cách trên. Có nhiều quan chức giống như ông Ri làm việc trong “Văn phòng 39”, chuyên đem tiền về Bình Nhưỡng.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã hối thúc Bắc Kinh siết chặt hơn nữa việc làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa thể khiến Bình Nhưỡng bị ảnh hưởng. Vì các lệnh trừng phạt đa phương thường phải giảm nhẹ để tránh bị Trung Quốc và Nga phản đối.
“Trừ khi Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng thống nhất trừng phạt Triều Tiên toàn diện, còn nếu không, ngăn Bình Nhưỡng thu lợi từ nước ngoài là điều không thể”, ông Ri nói.
Ông Ri Jong Ho hiện đang sống ở bang Virginia, Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt nhiều công ty Triều Tiên, cắt mọi mối liên hệ với hệ thống tài chính Mỹ, nhằm ngăn Bình Nhưỡng tiếp cận với đồng USD.
Tuy nhiên, ông Ri nói rằng Mỹ không hề nắm rõ mạng lưới tài chính của Triều Tiên. Ông Ri từng đóng vai trò là chủ tịch một công ty tàu biển, sau đó là công ty vận hành taxi ở Bình Nhưỡng. Tất cả chỉ là vỏ bọc để Triều Tiên chuyển tiền về nước.
Ông Ri nhận danh hiệu “anh hùng lao động” năm 2002 và nói mình có cuộc sống tốt ở Bình Nhưỡng, với TV màu và xe hơi riêng. “Tôi trung thành với Kim Jong-il, nên được ông ấy đối đãi rất tốt”.
Vai trò cuối cùng của ông Ri là người đứng đầu một công ty xuất nhập khẩu than đá, hải sản và dầu mỏ. Mục tiêu của công ty là đem về ngoại tệ. Nhưng ông Ri từ chối tiết lộ thêm chi tiết.
Năm 2014, ông Ri quyết định đưa gia đình đào tẩu, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un xử tử người chú Jang Song Thaek vì tội phản quốc. Ông Jang là người dẫn đầu trong việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Ông Ri lo ngại mình sẽ là người tiếp theo nên đã bí mật sang Hàn Quốc trước khi dừng chân ở Mỹ.
Binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc canh gác ở khu phi quân sự (DMZ).
“Cựu quan chức Triều Tiên như ông Ri hiểu rõ hoạt động tài chính của Triều Tiên. Ông ấy có thể giúp ích cho Mỹ”, Anthony Ruggiero cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận định.
“Tôi hy vọng rằng Bộ Tài chính và các cơ quan khác sẽ thu thập được thông tin giá trị từ ông Ri. Washington rất muốn biết cách Triều Tiên sử dụng ngân hàng Trung Quốc để làm lợi trong các hoạt động thương mại”, ông Ruggiero nói.
Ông Ri khẳng định rằng Triều Tiên luôn tìm ra cách lách lệnh trừng phạt. “Các công ty Triều Tiên đều do nhà nước sở hữu, nên họ chỉ cần đổi tên, thay thương hiệu là thoát lệnh trừng phạt và tiếp tục hoạt động như bình thường”.
Ngoài ra, ông Ri nói các đối tác Trung Quốc không mấy quan tâm đến cấm vận. “Khi tôi còn giữ chức, các đối tác ở Trung Quốc chỉ nhắc đến lợi nhuận, họ không mấy để ý đến cấm vận. Khi chính phủ yêu cầu họ dừng giao dịch, họ dừng trong vài ngày rồi đâu lại vào đấy”.
Vì lý do đó, Triều Tiên vẫn thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm từ những nhân vật như ông Ri để phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa.
Cuối cùng, ông Ri nói rằng đàm phán là cách tốt nhất để tháo gỡ căng thẳng. “Tôi nghĩ rằng Mỹ-Triều Tiên nên xúc tiến đàm phán cấp cao, để hai bên có thể cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề”.
Quan hệ của Triều Tiên và các quốc gia châu Phi có lịch sử hơn 50 năm và vẫn phát triển, bất chấp lệnh cấm vận bủa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.