Khi mua đất, làm gì để biết đất có bị tranh chấp?

PV Thứ bảy, ngày 16/04/2022 13:47 PM (GMT+7)
Việc kiểm tra đất có bị tranh chấp không sẽ giúp cho người mua đất tránh được rủi ro khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bình luận 0

Vì sao cần kiểm tra đất có bị tranh chấp?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, một trong những điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất là đất không có tranh chấp.

Vì vậy, khi mua đất người dân nên thực hiện kiểm tra đất có đang bị tranh chấp để tránh được những rủi ro.

Khi mua đất, làm gì để biết đất có đang bị tranh chấp? - Ảnh 1.

Việc kiểm tra đất có đang bị tranh chấp giúp người mua có thể tránh được những rủi ro. Ảnh minh họa.

4 cách kiểm tra đất có bị tranh chấp

Dưới đây là 4 cách kiểm tra đất đai có đang bị tranh chấp để giúp người mua tránh được nhiều rủi ro khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cách 1: Liên hệ Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có đất hoặc công chức địa chính xã phường thị trấn nơi có đất để tìm hiểu xem ai đang gửi đơn giải quyết tranh chấp hay không hoặc tranh chấp đất thực tế (tranh chấp nhưng chưa gửi đơn).

Cách 2: Tìm hiểu thông tin thông qua những người dân xung quanh hoặc chủ sở hữu, người sử dụng đất của thừa đất liền kề.

Cách 3: Liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự tìm hiểu xem thửa đất có liên quan đến việc thi hành bản án giải quyết tranh chấp đất đai hay không.

Cách 4: Xin thông tin đất đai tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất. Theo Điều 11 và Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, quy trình xin thông tin như sau:

Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu theo mẫu 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT tại Bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất.

Cách thức nộp: Người dân có thể nộp trực tiếp tại quan cung cấp dữ liệu đất đai, gửi qua đường công văn, fax, bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết

Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ, cơ quan tiếp nhận có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người có yêu cầu và thông báo số tiền phải nộp. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý, các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT gồm:

Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.

Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.

Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.

Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Chi phí kiểm tra thông tin đất phụ thuộc theo quy định của từng tỉnh thành, thông thường giao động từ 150.000 đồng - 300.000 đồng.

Bước 3: Trả kết quả

Thời hạn trả kết quả được quy định như sau:

Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì văn phòng đăng ký đất đai phải cung cấp ngay trong ngày.

Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức hợp đồng thì thời hạn do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem