Nước chấm này ăn kèm cơm tấm, gỏi cuốn, bánh cuốn, bún chả, phở cuốn, hành cuốn tôm thịt, chả ram tôm đất, nem rán, diếp cuốn, cá rán... hoặc chỉ cơm trắng thôi cũng hao cơm lắm.
1. Nguyên liệu
Tỷ lệ của mắm: đường: nước là 1:1:2. Nếu làm nhiều thì tăng số lượng.
- Nước mắm: 1 bát/1 cup (250ml). Nên chọn nước mắm nhạt tầm 27-30 độ đạm. Vì khi nấu rút bớt nước, sánh lại nếu dùng mắm độ đạm cao sẽ bị mặn.
- Đường: 1 bát/1 cup (250ml)
- Nước: 2 bát/2 cup (500ml)
- 1-2 thìa cà phê muối
- 1 quả dứa (miền Nam gọi là quả thơm). Chọn quả dứa hơi chín, vỏ còn xanh và hơi vàng, bỏ vỏ, cắt khoanh tròn.
- 1-2 khoanh nhỏ mía lau.
- Dấm hoặc nước cốt chanh: 3 thìa canh (45ml)
- Tỏi, ớt bỏ hạt băm nhỏ (nhớ băm thôi ạ, đừng đập dập mạnh tay thì ít khi tỏi ớt nổi lên).
2. Cách làm
- Cho nước vào trước đun sôi. Tiếp đó, mới cho cho đường vào khuấy tan. Cuối cùng, cho nước mắm và dứa (quả thơm), mía lau vào đun sôi, hạ nhỏ lửa liu riu. Thêm chút muối để giữ độ bền (để được lâu) cho nước sốt. Nếu sử dụng dấm thì cho vào luôn lúc này để nấu.
Cách 1: Với nước mắm chua ngọt dùng cho cơm tấm Sài Gòn, nem rán, chả ram tôm đất, hành cuốn tôm thịt, cá rán... thì cứ để đun sôi nhỏ lửa cho tới khi vơi bớt 1/2 lượng nước trong nồi. Công đoạn này hơi lâu, nên kiên nhẫn chút nhưng bù lại nước chấm thơm ngon, sóng sánh. Để nguội hẳn, nước sốt sẽ sánh hơn, vớt bã dứa (thơm) và mía ra. Cách 2:Với nước mắm chua ngọt dùng chấm bún chả, bánh cuốn, phở cuốn thì chỉ cần đun 5-6 phút rồi tắt bếp, để nguội rồi cho tỏi, ớt băm nhỏ vào. Với cả 2 loại nước chấm trên, nếu chưa cho dấm ở bước đun sôi thì lúc này mới cho nước cốt chanh vào khuấy đều. Vì nếu cho chanh vào sớm khi nóng sẽ bị đắng. Bảo quản bên ngoài hơn 1 tháng. Nếu cho tỏi ớt băm nhỏ vào thì nên để ngăn mát tủ lạnh cũng được hơn 1 tháng. Nhiều lúc tan tầm về muộn, chỉ cơm trắng và bát nước mắm, chút rau luộc là xong bữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.