Cái chết bí ẩn của “điệp viên X”

Chủ nhật, ngày 07/04/2013 09:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Israel và Úc đang tranh cãi liên quan đến cái chết của một cựu điệp viên của cơ quan tình báo Mossad (Israel). “Tù nhân X” tự sát hay bị thủ tiêu tại một nhà tù ở Tel Aviv?
Bình luận 0

Lúc 20 giờ 19 ngày 15.12.2010, lính canh nhà tù Ayalon phát hiện “tù nhân X” bị giam ở phòng số 15 treo cổ tự tử bằng khăn trải giường ở cửa sổ phía trên phòng tắm. Phòng giam số 15 là nơi giam giữ những kẻ thù của Nhà nước Israel. Trước đây Yigal Amir, kẻ ám sát cựu Thủ tướng Yitzhak Rabin cũng từng bị nhốt tại phòng này.

img
Mộ Ben Zygier tại Úc và ảnh Ben Zygier được phát trên kênh ABC

Phòng giam “tù nhân X” được chia làm hai phần. Một góc đặt chiếc giường, khu vực ngồi nghỉ ngơi và ăn uống. Phần còn lại là nhà tắm và vệ sinh. Phòng luôn có 3 camera theo dõi tù nhân nhưng không một nhân viên an ninh nào có thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ “Tù nhân X” trong hơn 1 giờ. Khi cai tù kiểm tra, thân thể phạm nhân đã lạnh ngắt.

Đó là cái chết không bình thường trong phòng giam có hệ thống giám sát tù nhân 24/24 tiên tiến như vậy. Nhà tù Ayalon nằm ở thành phố Ramla, thuộc vùng ngoại ô Tel Aviv. Tại đây có 700 tù nhân và 260 lính canh, là một trong những nhà tù có hệ thống bảo vệ tốt nhất Israel.

Danh tính của “Tù nhân X” được chính quyền Israel giấu kín, ngay cả các quản ngục ở Ayalon cũng không biết tên thật của anh ta, người luôn chịu cảnh biệt giam. Giới truyền thông Israel cũng bị cấm tiếp cận và đăng tải thông tin về phạm nhân này, nhất là sau khi anh ta tự sát.

Tuy nhiên từ cuộc điều tra của kênh TV ABC của Úc, “Tù nhân X” tên thật là Ben Zygier, một cựu điệp viên Mossad người Úc gốc Do Thái. Sau khi bưng bít bất thành, chính quyền Israel miễn cưỡng yêu cầu các cơ quan cung cấp thông tin cho báo giới. Ngoài ra Quốc hội Israel cũng phải cam kết thực hiện cuộc điều tra độc lập về cái chết đầy tranh cãi này.

img
Hộ chiếu Australia và hình ảnh của Ben lúc còn sống. Bên cạnh là bia mộ của Ben tại nghĩa trang Do Thái Chevra Kadisha, ngoại ô Melbourne (Australia)

Lọt mắt Mossad

Benjamin Zygier sinh ngày 9.12.1976 ở Melbourne. Ông bố Geoffrey là một người Do Thái bảo thủ, điều hành một công ty kinh doanh bột ngũ cốc khá thành công và tham gia hoạt động vào cộng đồng Do Thái tại địa phương. Zygier cũng được tham gia vào tổ chức thanh niên phục quốc Do Thái cánh tả Hashom Hatzair.

Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1993, Zygier theo khoa Luật tại Đại học Monash và năm sau chuyển đến Israel sinh sống, thay vì làm việc cho một công ty luật nào đó ở Melbourne. Tại khu định cư Gazit (bắc Israel, với khoảng 500 dân), Zygier luôn ca ngợi giấc mơ phục quốc Do Thái.

Anh ta tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Israel bằng mọi giá: một mẫu người lý tưởng để Mossad có thể tuyển dụng, đào tạo thành điệp viên. Một trong những lý do khiến Zygier được Mossad để ý là anh này có lý lịch khá sạch, vẻ ngoài châu Âu và nhất là đến từ một đất nước nổi tiếng thân thiện như Úc. Điều này tạo cho điệp viên một vỏ bọc lý tưởng, tránh được những nghi ngờ của đối phương. Hơn nữa luật pháp Úc cho phép công dân nước mình được đổi tên họ nhiều lần cùng yêu cầu cấp lại hộ chiếu mới nên rất tốt cho những phi vụ cần “thay hình đổi dạng”.

Trong nhiều thập kỷ, Mossad thực hiện nhiều chiến dịch bí mật để tiêu diệt những kẻ thù của đất nước, như giết Imad Mughniyah chỉ huy Hezbollah tại Damascus vào năm 2008 và chỉ huy Hamas Mahmoud al-Mabhouh ở Dubai trong năm 2010. Họ cũng đã thanh toán nhà khoa học hạt nhân của Iran, phá hoại nơi ẩn náu Hezbollah ở Lebanon.

Do vậy Mossad rất cần những nhân tố mới để tiếp tục những trận chiến này. Tháng 12.2003, Zygier vượt qua tất cả các bài kiểm tra và Mossad đã “chấm” và gửi anh đến một chương trình đào tạo chuyên sâu kéo dài khoảng một năm. Sau đó Mossad cử anh ta đến châu Âu vào đầu năm 2005 và tham gia nhiều chiến dịch khác của tình báo Israel.

Nhưng theo thông tin điều tra của ABC News, “Tù nhân X” Zygier bị Israel bắt năm 2010 do anh ta bị nghi đã cung cấp các thông tin bí mật của Mossad cho cơ quan tình báo Úc (ASIO), tức là điệp viên 2 mang. Zygier đã gặp gỡ nhiều nhân viên của ASIO để thảo luận về các chiến dịch bí mật mà mình đã tham gia.

Cũng trong những chiến dịch này, Zygier đã nhiều lần sử dụng hộ chiếu Úc để thực hiện nhiệm vụ tại châu Âu và Trung Đông. Khi đó Zygier tham gia vào một công ty bình phong của Mossad tại châu Âu chuyên cung cấp linh kiện điện tử sang Ả Rập và Iran.

Do nghi ngờ, Mossad theo dõi và bắt Ben Zygier, chuyển anh ta về giam giữ tại nhà tù Ayalon. ABC News cũng lật lại vụ bắt giữ này từng được báo chí Israel đăng tải nhỏ giọt vào năm 2010, nhưng sau đó đã bị chính quyền ép buộc tháo gỡ tin bài về vụ việc này và cấm đăng tải dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên trước những chỉ trích của báo giới trong nước về thông tin được phát đi trên ABC News, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã biện minh rằng việc bảo mật thông tin có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia vì tình hình Israel khác hẳn với nhiều nước khác trên thế giới. “Chúng ta luôn có nhiều mối đe dọa và thách thức vì vậy lực lượng an ninh phải được phép làm nhiều cách để đảm bảo an ninh quốc gia cũng như cuộc sống an toàn cho mọi người dân”, ông Benjamin Netanyahu nhấn mạnh.

img
Vụ việc được tiết lộ trên báo nước ngoài

Điệp viên hai mang của Hezbollah?

Tuy nhiên tờ báo Spiegel (Đức) đã nêu ra một lý do khác khiến Zygier bị Mossad triệu hồi về nước và bắt giam: anh ta đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan tình báo Hezbollah. Kết luận này của Spiegel dựa theo điều tra của tình báo Israel về việc một loạt các đầu mối nguồn tin quan trọng của họ bị “bóc gỡ”. Đầu tiên là vụ cáo buộc Homsi là gián điệp của Israel.

Vào sáng sớm ngày 16.5.2009, các đơn vị đặc biệt của Lebanon đã tấn công vào nhà của Ziad al-Homsi và bắt giữ người đàn ông 61 tuổi này. Việc bắt giữ là một cú sốc đối với nhiều người Lebanon, không những vì Homsi từng là chủ tịch thị trấn nơi ông cư ngụ trong nhiều năm, mà ông còn được coi là một anh hùng trong chiến tranh vì đã tham gia chiến đấu chống lại Israel trong cuộc nội chiến Lebanon.

Những người ủng hộ “té ngửa” sau khi thông tin thẩm vấn Homsi được công bố, rằng ông ta đã làm gián điệp cho kẻ thù không đội trời chung Israel kể từ năm 2006 và được trả khoảng 100.000 USD cho những phi vụ của mình. Mossad đặt mật danh cho Homsi là "Người da đỏ” và các chi tiết trong cuộc thẩm vấn cho thấy tầm quan trọng của ông ta với Mossad cao đến mức nào.

Homsi đang cố gắng tạo điều kiện để biệt kích Israel có thể tiếp cận được Hassan Nasrallah chỉ huy Hezbollah đang sống bí mật. Các thông tin này có thể mở đường cho đặc nhiệm Israel thực hiện vụ ám sát vị chỉ huy này.

Bản khai của Homsi cũng tiết lộ phương thức mà Mossad tuyển dụng các điệp viên nước ngoài. Một người đàn ông Trung Quốc (TQ) tên là "David" có lần đã tự giới thiệu với Homsi, rằng ông ta là nhân viên chính quyền thành phố Bắc Kinh và là đại diện của một công ty TQ muốn thiết lập quan hệ kinh doanh.

Tại một cuộc họp ở Lebanon, "David" mời Homsi đến Bắc Kinh để tham dự hội chợ thương mại và ngỏ ý rằng đây là lời mời trực tiếp từ chính phủ TQ. Tiếp theo các cuộc gặp gỡ ở Bangkok, "David" bắt đầu mời Homsi hợp tác với mức thù lao hằng tháng là 1.700USD để trả lời những thông tin như số phận ba binh sĩ Israel mất tích kể từ cuộc chiến 1982 với Lebanon mà Homsi đã chiến đấu cùng chiến tuyến với những người Ả Rập.

Mossad cung cấp cho Homsi máy tính cùng ổ đĩa USB trông giống như một hệ thống âm thanh nổi, nhưng thực tế là máy phát để gửi tin nhắn và ông dùng nó để báo cáo Tel Aviv cứ năm ngày một lần. Công nghệ này bị phát hiện khi Homsi bị bắt vào tháng 5.2009. Ashraf Rifi, người đứng đầu cơ quan tnh báo Lebanon, đánh giá việc bắt được Homsi là một trong những chiến dịch quan trọng nhất mà tổ chức này đã thực hiện. Homsi đã bị kết án 15 năm tù lao động khổ sai và sau đó được ân xá.

Trong suốt mùa xuân năm 2009, Lebanon đã phá vỡ một số tổ chức gián điệp của Israel ở nước này. Trong số những người bị bắt có Mustafa Ali Awadeh, với mật danh "Zuzi," một gián điệp nằm vùng quan trọng khác trong tổ chức Hezbollah.

Đối với Israel đây quả là thất bại tình báo lớn nhất khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Mossad đã tìm mọi cách bảo mật nhưng tại sao Lebanon vẫn có được những nguồn tin quan trọng? Sau khi phân tích thông tin từ Lebanon cho thấy Hezbollah đã có gặp gỡ với một điệp viên Mossad gốc Úc vào thời điểm đó, Mossad mau chóng xác định đó không phải ai xa lạ mà chính là “Tù nhân X” Zygier.

Dục tốc bất đạt

Sau chiến dịch đầu tiên năm 2005, vào năm 2006, Mossad chuyển Zygier sang vùng Đông Âu hoạt động nhưng anh ta không thể cung cấp đủ thông tin cần thiết khiến các quan chức Mossad tại Tel Aviv thất vọng và triệu hồi anh về nước trong mùa hè năm 2007, để phụ trách công việc văn phòng. Zygier cảm thấy thất vọng với công việc bàn giấy, đã yêu cầu Mossad để anh trở lại trường học để lấy bằng thạc sĩ về quản lý.

Mossad đồng ý và thậm chí còn tiếp tục trả lương cho anh ta. Tháng 10-2008, Zygier một lần nữa ghi danh theo học tại Đại học Monash ở Melbourne dưới cái tên "Ben Allen". Anh ta báo với trường rằng đang làm việc cho một công ty tư vấn tại Geneva và đôi khi phải trở về Thụy Sĩ để giải quyết công việc. Đây là lý do khá tốt để che giấu những chuyến công tác đột xuất.

Vào Chủ nhật tháng 10.2009, phóng viên Jason Koutsoukis của Spiegel và cũng là phóng viên chuyên trách Trung Đông cho hai tờ báo Úc The Age và Sydney Morning Herald, đã nhận được email mã hóa từ một nhân viên chính phủ Úc. Bức thư điện tử này viết: “Điều tra tình báo đã phát hiện một điệp viên Israel gốc Úc đang quay trở lại Úc sinh sống. Ngoài ra còn có nghi ngờ anh ta đang thực hiện những chiến dịch cho Mossad ngay trên đất Úc”. Một email khác thì đề cập đến công ty mà Zygier đã làm việc trong năm 2005. Dường như tình báo Úc đã để mắt đến Zygier trong thời gian khá dài.

Koutsoukis gọi điện xác minh với Zygier vào đầu tháng 12.2009 những thông tin được cung cấp. "Đó hoàn toàn là sự tưởng tượng”, Zygier hét lên trước khi cúp máy. Cuộc trò chuyện thứ hai diễn ra vài tuần sau đó vào giữa tháng 1.2010. “Tôi có thông tin về việc ông đã làm việc cho một công ty châu Âu, liệu ông có thể cho tôi biết những gì ông đã làm ở đó?“ - Koutsoukis hỏi. “Tôi chả hiểu ông đang nói gì, có lẽ ông nhầm tôi với người nào khác”, Zygier trả lời.

Chỉ mười ngày sau cú điện thoại này, cơ quan an ninh tình báo nội địa Israel bắt giữ Zygier, sau khi Mossad yêu cầu anh ta trở về tổng hành dinh để thảo luận về các cảnh báo nhận được từ Beirut. Thông tin từ cuộc điều tra nội bộ tạo cú sốc với Mossad.

Rõ ràng Zygier cảm thấy thất vọng vì những thất bại và bị cách chức, nên đã cố gắng tìm những nguồn tin mới trong nỗ lực phục hồi bản thân và chứng tỏ giá trị của mình đối với cơ quan. Zygier thừa nhận trong quá trình thẩm vấn rằng trước khi khởi hành qua Úc, anh đã gặp gỡ một thành viên Hezbollah ở Đông Âu mà không có sự cho phép, để tuyển dụng anh ta thành nguồn tin.

Tuy nhiên điều mà Zygier không ngờ là nhân viên Hezbollah đã báo cáo cuộc gặp gỡ về Beirut và tiến hành trò chơi hai mang. Kế hoạch từng bước rất chi tiết đã được cơ quan tình báo Hezbollah giăng ra để đưa Zygier vào bẫy. Liên lạc giữa Zygier và thành viên Hezbollah này tiếp diễn trong thời gian dài.

Báo cáo điều tra chỉ ra rằng Zygier bắt đầu cung cấp các thông tin tình báo cho Lebanon ngay từ tổng hành dinh Tel Aviv, bao gồm cả thông tin liên quan đến đường dây gián điệp củaHomsi và Mustafa Ali Awadeh - hai nguồn tin hàng đầu của Mossad tại Lebanon, hai người này bị bắt sau đó. Khi Zygier bị bắt, các nhân viên an ninh đã tìm thấy một đĩa CD chứa thông tin tối mật trong khi anh ta không được phân quyền để tiếp cận các thông tin này.

Đầu tháng 3.2013 tại Tel Aviv, một quan chức chính phủ liên quan đến vụ điều tra cho biết Zygier do nôn nóng muốn đạt được công trạng nên đã bất chấp tất cả và rốt cuộc phải trắng tay. “Anh ta đã tuột dốc không phanh, vượt qua lằn ranh đỏ và đi vào bóng tối”, quan chức này nói. Theo Spiegel, cơ quan tình báo Israel muốn tống giam Zygier ít nhất 10 năm.

Vào mùa hè năm 2010, vợ Zygier sinh con gái thứ hai và gia đình đã được phép vào tù thăm anh ta. Zygier được trò chuyện với mẹ mình qua điện thoại vào ngày 15.12.2010 nhưng bất ngờ chết vì lý do tự tử vài giờ sau đó. Một tuần sau, gia đình đã chuyển thi thể Zygier về chôn cất trong nghĩa trang của người Do Thái Springvale ở Úc chứ không phải ở Israel, nơi anh đã chọn làm quê hương thứ hai của mình.

Rất nhiều lý do được đồn đoán xung quanh cái chết của Zygier, như có thể anh ta xấu hổ về việc đã làm, bị tổn thương hay cả việc bị giết để trả thù… Tuy nhiên chính quyền Israel vẫn chưa có kết luận chính thức về cái chết của Ben Zygier cũng như lý do biệt giam cựu điệp viên Mossad này.

Phía Úc lên tiếng

Ngoại trưởng Úc Bob Carr đã chỉ trích Israel không cung cấp cho chính phủ nước này lời giải thích đầy đủ các lý do dẫn đến việc bắt giữ và phạt tù cũng như vụ tự tử của cựu điệp viên Zygier vốn là một công dân Úc. Phát biểu với các phóng viên trong chuyến công du Mỹ, ông Carr cho biết chính quyền Úc đã yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin liên quan về vụ việc và sẽ tiếp tục hối thúc Israel đáp ứng.

“Chúng tôi rất quan ngại về việc hộ chiếu Úc được sử dụng trong những chiến dịch của tình báo nước ngoài bởi công dân nước tôi hoặc công dân đa quốc tịch. Cần có một cuộc điều tra toàn diện về toàn bộ sự việc diễn ra từ lý do dẫn đến việc bắt, giam giữ và tự tử của Zygier”, ông Carr nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định việc sử dụng hộ chiếu Úc của những cơ quan tình báo nước ngoài sẽ gây nguy hiểm cho tất cả những du khách Úc đi du lịch quốc tế. Hồi đầu tháng 3.2013 ông cũng đã cảnh báo nếu thông tin Israel dùng hộ chiếu Úc trong những chiến dịch tình báo của mình thì Australia sẽ đưa ra biện pháp phản đối cứng rắn nhất.

“Chắc chắn nếu hộ chiếu Úc đã bị lạm dụng trong trường hợp này, chúng tôi buộc phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Không một quốc gia nào có thể cho phép sự toàn vẹn trên hệ thống hộ chiếu của mình bị tổn hại. Về nghi vấn đối với hộ chiếu của ông Zygier, tôi hy vọng cuộc điều tra diễn ra ở Israel có thể làm rõ điều này", ông Carr nhận xét.

Vấn đề sử dụng hộ chiếu sai mục đích đặc biệt nhạy cảm đối với Úc. Trong năm 2010, qua cuộc điều tra của mình, Úc đã đưa ra kết luận Israel đã làm giả 4 hộ chiếu nước này để cung cấp cho một toán sát thủ thực hiện phi vụ tiêu diệt quan chức Hamas ở Dubai. Úc đã trả đũa bằng cách trục xuất một nhà ngoại giao Israel.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem