Sa hoàng Pytror đệ Tam, trị vì nước Nga từ 5.1 đến 9.7.1762, tổng cộng 185 ngày, để rồi bị lật đổ bởi chính vợ mình Hoàng hậu Sophie Friederike Auguste, người sau này trở thành Nữ hoàng Nga Catherine đại đế. Hoàng đế Publius Helvius Pertinax cai trị đế quốc La Mã được 86 ngày (1.1-28.3.193) trước khi bị cận vệ Hoàng cung giết chết và biêu đầu giữa phố. Didius Julianus, người đã trả tới 200 triệu sesterce để mua “ngai vàng” kế vị Pertinax cũng chỉ giữ ngôi Hoàng đế La Mã được 65 ngày.
Minh Quang Tông chỉ ở ngôi vua nhà Minh vỏn vẹn 29 ngày
Tuổi thơ bị ghẻ lạnh
Đấy là những Hoàng đế phương Tây có thời gian trị vị ngắn nhất trong lịch sử loài người. Nhưng so với vị Vua Trung Quốc thời Minh mạt sau đây, thì cái gọi là “kỉ lục” ngồi ngôi Hoàng đế ngắn nhất của họ chẳng khác gì đem… đom đóm sánh với mặt trăng. Minh Quang Tông, Hoàng đế thứ 15 triều Minh, lên ngôi ngày 28.8.1620 nhưng chỉ cai trị Trung Hoa được chưa đầy 1 tháng do qua đời ngày 26.9 cùng năm. Chính xác, Minh Quang Tông chỉ ngồi ngôi Hoàng đế vỏn vẹn 29 ngày!
Minh Quang Tông tên thật là Chu Thường Lạc, sinh vào ngày 28.8.1582, là con trai trưởng của Minh Thần Tông Chu Dực Quân. Mẹ đẻ là Hiếu Tĩnh hoàng hậu Vương thị, vốn là 1 cung nữ hầu hạ trong cung của Từ Thánh Lý thái hậu.
Một lần, Minh Thần Tông vào Từ Ninh cung thăm Lý Thái Hậu, ông gặp cung nữ Vương thị thì đem lòng yêu thích, liền lâm hạnh. Sau đó, Vương thị mang thai, Từ Thánh thái hậu phát giác, tra vấn Vạn Lịch Đế nhưng ông kiên quyết không nhận, còn có ý dùng thuốc bỏ đi đứa bé. Thái hậu sai quan Thái y tra vấn, chứng thực Vương thị có thai với Hoàng đế. Nhờ đó bà được Vạn Lịch Đế phong làm Cung phi.
Vua Minh Quang Tông trải qua một tuổi thơ bị ghẻ lạnh, chịu nhiều thiệt thòi
Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc do mẫu thân bị thất sủng, nên dù là trưởng nam nhưng không được Vạn Lịch Đế coi trọng. Ngay cả việc học hành, mãi đến năm 13 tuổi thì ông mới bắt đầu được mở thư phòng học sách, một số tuổi quá trễ đối với một Hoàng tử. Chu Thường Lạc, ngoài ra cũng không được chỉ định một thày dạy riêng về Nho giáo và Kinh sử.
Cuối năm 1601, trước sức ép của quần thần và Từ Thánh hoàng thái hậu Chu Thường Lạc mới được Thần Tông tấn phong làm Thái tử, khi đó đã 19 tuổi. Thái tử Chu Thường Lạc nổi tiếng khả ái nhân từ, được lòng các đại thần, dẫu vậy địa vị của ông vẫn bất ổn do không được lòng Thần Tông.
Con đường lên ngôi Hoàng đế
Minh Thần Tông có một sủng phi, Trịnh Quý phi, là mẹ sinh ra Hoàng tam tử Chu Thường Tuấn. Cũng vì quá yêu quý hai mẹ con Trịnh quý phi mà Minh Thần Tông coi rẻ Chu Thường Lạc. Việc lập Chu Thường Lạc làm Thái tử vì thế không dập tắt được những phỏng đoán Thần Tông có thể phế Lạc lập Tuấn. Nhất là khi, Trịnh Quý phi liên tục mưu đồ phế bỏ Thái tử để lập con mình.
Năm 1615, xảy ra một đại sự kiện trong hoàng tộc được gọi là “Đĩnh kích án” do Trịnh Quý phi bày mưu nhằm hạ sát Thái tử Chu Thường Lạc. Một người tên Trương Sai đã đột nhập vào thư phòng của Thái tử, nhằm giết chết Chu Thường Lạc nhưng bất thành. Tên này nhanh chóng bị bắt giam và tra khảo. Hắn khai ra chủ mưu là hai hoạn quan tâm phúc của Trịnh Quý phi, tên Bàng Bả và Lưu Thành.
Trịnh Quý phi bị nghi ngờ là người đứng sau âm mưu giết Minh Quang Tông
Sự việc chấn động này liên lụy nhiều đến Trịnh Quý phi. Minh Thần Tông Vạn Lịch Đế khi ấy biết rằng nếu nếu điều tra rõ ràng, và có thể Trịnh Quý phi lẫn Phúc vương Thường Tuấn sẽ chịu tội nặng, thế nên Thần Tông quyết định dung túng, đổ hết mọi cáo trạng lên 2 tay hoạn quan và không lâu sau cho xử tử cả ba người Trương-Bàng-Lưu.
Năm 1620, ngày 18.8, Minh Thần Tông Vạn Lịch đế giá băng, Thái tử Chu Thường Lạc lập tức kế vị. Ông cho gọi các đại thần đã bị đày đi vì bênh vực mình trở về kinh, trao lại chức tước, cải niên hiệu thành Thái Xương.
Án hồng Hoàn và cái chết của Minh Quang Tông
Sau khi lên ngôi, Thái Xương đế trở nên hoang dâm vô độ. Trịnh Quý phi trong quá khứ từng mắc lỗi với ông, đã đem hiến cho ông rất nhiều mỹ nữ. Nực cười nhất là mặc dù sức khỏe vô cùng yếu đuối, nhưng ông vẫn thu nhận tất và ngày đêm ân ái với họ. Có đêm ông còn mây mưa với nhiều mỹ nữ cùng lúc.
Chính vì thể trạng yếu nhưng lại ham hố nữ sắc nên Thái Xương trở bệnh nặng. Đề đốc Lưỡng Tư phòng - Thôi Văn Thăng, người trước đó từng là thủ hạ của Trịnh quý phi, cho rằng hoàng đế bị nóng trong người, bèn cho kê các phương thuốc giải nhiệt, nhuận trường. Hoàng đế uống xong, lập tức bị tả, liên tục đi ngoài, thở không ra hơi, không thể lên triều.
Lúc đó ở Hồng Lư tự có Lý Khả Chước tự nói mình có thuốc tiên chữa được bách bệnh, dâng lên vua một viên thuốc màu đỏ (hồng hoàn). Hoàng đế uống xong một viên, lại uống thêm viên nữa, thấy rằng tinh thần phấn chấn đến lạ, nhịp thở đều trở lại; tấm tắc khen Khả Chước là trung thần, sai thưởng cho 50 lượng bạc. Tuy nhiên canh năm ngày 26.9.1620, nội giám bước vào điện thì phát hiện hoàng đế đã chết. Thái Xương đế thọ 39 tuổi, ở ngôi chỉ 29 ngày, còn chưa kịp dùng niên hiệu mới.
Mê đắm sắc dục trong khi thể trạng yếu, Minh Quang Tông chết sau khi dùng thuốc xuân dược Hồng hoàn
Thái Xương đế băng rồi, Thượng thư bộ Lại Trương Vấn Đạt, Thượng thư bộ Hộ Uông Ứng Giao, Thượng thư bộ Lễ Tôn Thận Hành, Tả đô ngự sử Trâu Nguyên Tiêu cùng đa phần các ngôn quan tố cáo hai kẻ Thôi, Lý tội dùng thuốc giả. Ngự sử Vương An Thuấn lên tiếng nghi ngờ liệu hai kẻ này đã chủ mưu hại chết hoàng đế. Ngự sử Trịnh Tông Chu cho rằng sự kiện này có liên quan đến “Án đĩnh kích” vào 5 năm trước, tất có người muốn Thái Xương đế vào đường chết.
Chủ sự bộ Hình Vương Chi Thái nhận định rằng cái chết của Thái Xương đế có liên quan Trịnh quý phi. Tuy nhiên, vụ án có tên “Án hồng hoàn” sau đó lại bị xử lý qua loa, không hề hướng tới khả năng Minh Quang Tông bị mưu sát. Lý Khả Chước chỉ bị phạt tiền 50 lượng, cắt bổng lộc 1 năm; chỉ truy tội hắn đối với cái chết của Thái Xương đế là “dâng thuốc không có công hiệu”.
Trong lịch sử Trung Quốc, chưa từng có cái chết của một vị Hoàng đế nào lại được điều tra và xử lý nhẹ nhàng như “Án hồng hoàn”. Chính vì thế, bí ẩn phía sau cái chết của Thái Xương đế Minh Quang Tông, vị vua có thời gian tại vị ngắn nhất lịch sử, cho đến giờ vẫn là đề tài nghiên cứu đặc biệt của các sử gia Trung Quốc.
Dưới thời nhà Minh, các phương thuốc xuân dược được các hoàng đế cực kì chú ý; trong đó phải kể đến Hồng hoàn. Nguyên tên gốc của vị thuốc này là Hồng duyện kim đan, còn có tên khác là Tam nguyên đan; là phương thuốc do ngự y Đào Trọng Văn chế ra dâng lên vua Minh Thế Tông Gia Tĩnh đế. Nguyên liệu của thứ thuốc này là máu kinh kì đầu tiên của các thiếu nữ, gọi là "Tiên thiên hồng duyên", đựng trong hộp bằng kim loại, cho thêm sương đêm và ô mai vào, đem sắc bảy lần rồi gia thêm thu thạch, nhân nhũ, thần sa (tức chu sa sản xuất ra ở Thần Châu, Hồ Quảng)... đun bằng lửa rồi luyện thành thuốc viên. |
Tầm Hoan (SHTT/DocBao)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.