Cai nghiện mở
Những ngày lưu lại Trung tâm cai nghiện Hải Dương, mặc dù để ý khá kỹ, nhưng tuyệt nhiên tôi không nhận thấy dấu hiệu của những công cụ hỗ trợ cai nghiện “mạnh tay” như phương pháp ở nhiều trung tâm khác.
Giám đốc Vũ Thành Phương giao lưu bóng bàn cùng học viên cai nghiện. Ảnh: G.T
Dò hỏi học viên Nguyễn Văn Thu – người đã từng có kỷ lục 8 lần đi cai nghiện, Thu cho biết, trước kia Thu đã đi cai nghiện ở nhiều trung tâm, hình thức cai nghiện rất khắc nghiệt. Nhưng ở Trung tâm cai nghiện Hải Dương, anh được áp dụng phương pháp học tập mở. Chỗ ở rộng rãi, thoáng mát, mỗi lớp có một khu bếp nấu ăn riêng. “Học viên được hút thuốc lào, uống chè tự do, có thời gian biểu rõ ràng. Sáng dậy từ 5 giờ 15 phút, chiều đến chơi thể thao, tối 10 giờ đi ngủ. Trong phòng ngủ có tivi và cả… dàn karaoke” – Thu chia sẻ.
Không chỉ có Thu, nhiều học viên tại Trung tâm này cũng có cảm giác rất thoải mái khi được học tập, rèn luyện và cai nghiện tại đây. Trung - lớp trưởng lớp phục hồi chức năng cho biết: Chỉ trong nửa năm, lớp học này đã đón hơn 200 học viên ở bên ngoài vào. Tất cả đều được học tập nội quy, duy trì chế độ, nề nếp sinh hoạt và đặc biệt là được học cách đối nhân xử thế.
“Nhiều học viên lúc mới vào còn hung hăng, nhưng khi sống trong một tập thể sẵn sàng giúp đỡ nhau, trên bảo dưới nghe bằng cái tâm và sự chân tình thì bản năng của họ được đặt xuống thấp hơn và bản lĩnh nâng cao hơn. Vào đây rồi, tất cả phải bình đẳng với nhau, không được hơn thua. Cùng nhau cố gắng học tập, rèn luyện để cùng trở thành người tốt, về với gia đình và xã hội”.
Lấy tấm lòng người thầy khơi dậy tính thiện
Một chương trình giao lưu văn nghệ tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương. Ảnh: G.T
Trong những ngày ở đây, tôi được gặp anh Vũ Trọng Phương (SN 1977) - Giám đốc Trung tâm cai nghiện Hải Dương trong buổi giao lưu bóng bàn với các học viên.
Sau những giờ phút hòa mình vào những sinh hoạt của các học viên, anh Phương chia sẻ: “Trước kia tôi từng là Phó Giám đốc ở Trung tâm cai nghiện cũ. Khi Trung tâm mới (17ha) được xây dựng về đây, tôi được Sở LĐTBXH tỉnh điều về Sở làm Chánh Văn phòng. Giờ lại tiếp tục quay lại kiện toàn trung tâm này”. Anh Phương chia sẻ, làm trong Trung tâm cai nghiện, bạn bè anh cũng quen gọi luôn anh… “Phương nghiện”.
Chia sẻ về công việc mà mình gắn bó, anh Phương cho biết: Nếu như trước kia, người ta dùng nhiều biện pháp cưỡng chế, có khi dùng cả tiểu xảo, mánh khóe để quản lý học viên thì giờ đây, mọi thứ đó đều vô dụng.
“Rất nhiều học viên, trước khi vào đây, họ từng là những người “trải đời”, tất cả mánh khóe, họ còn thành thạo hơn mình. Chính vì vậy, chỉ có cách giáo dục họ, cảm hóa họ bằng chính trí tuệ và tấm lòng của mình, đối xử với họ một cách nhân văn và công tâm nhất thì họ mới nể, mới phục” - anh Phương nói.
Anh Phương cũng cho biết, chỉ cần 40% học viên khi trở về cai nghiện ma túy thành công là con số đáng mừng đối với những người làm công tác cai nghiện như anh.
“Hiện nay mỗi học viên vào Trung tâm cai nghiện nếu theo diện tự nguyện, mỗi năm phải đóng 16 triệu đồng. Còn học viên bắt buộc thì không thu đồng nào. Nhưng vẫn phải đối xử với tất cả công bằng như nhau, không có phân biệt”.
Cả Trung tâm có 120 cán bộ, công nhân viên đều chia ca trực 24/24, càng ngày lễ thì càng phải trực tích cực. Đa số mọi người thời gian ở trung tâm nhiều hơn thời gian cho gia đình. Đây cũng là một khó khăn cho những cán bộ, công nhân viên ở đây vì trung tâm thì biệt lập và cách thành phố Hải Dương hơn 30km.
Thầy giáo Trần Duy Nhất mới chuyển về đây được 4 năm chia sẻ: “Đúng là về đến Trung tâm cai nghiện mình bây giờ, tôi mới nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò và trách nhiệm của một thầy giáo làm công tác cai nghiện. Mình phải có một tấm lòng thật tâm để khơi dậy tính thiện đã bị ma túy vùi lấp trong mỗi học viên”.
Theo anh Nhất, những học viên vào đây, họ đã phải hứng chịu quá nhiều những mặt trái của cuộc sống ngoài kia. Chính vì vậy, những người thầy như anh, ngoài việc hướng dẫn về nội quy, điều chỉnh hành vi, hướng học viên đến những suy nghĩ tích cực thì phải hiểu rõ tâm tư, tình cảm của từng người, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các học viên từ vật chất đến tinh thần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.