Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong năm 2012, Việt Nam có trên 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời. Vì lý do này, WHO phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” ngày 14.7.
Chiến dịch được phát động trong tuần này tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Tiến sỹ Shin Young-soo, Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết, hiện có quá nhiều trẻ sơ sinh tử vong vì những yếu tố có thể phòng ngừa được, ví dụ như bệnh tật.
Chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” sẽ giải quyết thách thức này bằng cách thúc giục phụ nữ và nhân viên y tế tại Việt Nam thực hiện các bước đơn giản nhằm bảo vệ trẻ sơ sinh trong thời gian quan trọng ngay sau sinh.
Trẻ sinh ra phải được tiếp xúc da liền da với mẹ
Theo các chuyên gia, chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm bắt đầu bằng cái ôm đầu tiên hay duy trì tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và bé ngay sau sinh. Phương pháp đơn giản này giúp ủ ấm trẻ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ mẹ sang con và khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
“Tách mẹ và con ngay sau sinh là thực hành rất lỗi thời. Nhưng điều đó lại xảy ra tại thời điểm rất quan trọng khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu tìm kiếm vú mẹ để bú”, tiến sỹ Maria Asuncion Silvestre, chuyên gia nhi khoa và trẻ sơ sinh của Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ.
Bên cạnh đó, phong tục tập quán và niềm tin ở một số cộng đồng, nhân viên y tế là rào cản chăm sóc trẻ sơ sinh. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, đòi hỏi phải được hỗ trợ từ gia đình, các cá nhân giúp cán bộ y tế thực hành tốt nhất.
Sau tiếp xúc da-kề-da, kẹp dây rốn được thực hiện và cắt rốn bằng dụng cụ tiệt trùng. Các bà mẹ có thể cho con bú khi thấy trẻ có những dấu hiệu đòi ăn như chảy dãi, lia lưỡi, ngọ nguậy tìm vú mẹ và gặm nắm tay hay ngón tay. Bú sớm đặc biệt quan trọng vì sữa non, hay “những giọt sữa đầu tiên”, cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và tế bào miễn dịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.