Cải tạo nước hồ Gươm phải chú ý đến chủng tảo lục "quý hiếm"

Thành An Thứ năm, ngày 30/11/2017 14:47 PM (GMT+7)
“Cải tạo hồ Gươm quan trọng nhất là giữ được hệ vi tảo, đặc biệt là các chủng tạo lục - tảo mang lại màu xanh đặc trưng của hồ mà không một hồ nào của Hà Nội có” - PGS.TS Hà Đình Đức nhấn mạnh.
Bình luận 0

Liên quan đến việc UBND TP.Hà Nội đồng ý cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành cải tạo môi trường nước hồ Gươm, ông Vũ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trước khi tiến hành cải tạo môi trường nước hồ Gươm, Cty đã xin ý kiến của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học,… Theo đó, các nhà khoa học, nhà quản lý đều nhất trí với chủ trương tiến hành nạo vét, xử lý tình trạng ô nhiễm nước hồ Gươm.

img

Hà Nội đang tiến hành cải tạo nước hồ Gươm. Trong ảnh, các công nhân đang nạo vét bùn dưới hồ tối 29.11.

“Chúng tôi đã hỏi ý kiến các nhà khoa học, cụ thể: Giáo sư sử học Lê Văn Lan - Viện hàn lâm khoa học xã hội “đồng ý với phương án cải tạo do Cty Thoát nước Hà Nội đề xuất, cần tiến hành kịp thời”; PGS.TS Hồ Thanh Hải - Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường “đồng ý với các chương mục trong phương án, đề nghị triển khai dự án kịp thời và đạt hiệu quả bảo vệ môi trường hồ Gươm” - ông Hùng thông tin.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khuyến cáo, phương án cải tạo môi trường hồ phải bảo đảm khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng không phá vỡ hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học tại hồ.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu sinh học và được mệnh danh là "nhà rùa học" cho biết, hệ sinh thái của hồ Gươm đã thay đổi nhiều so với lịch sử, hồ bị lai tạp nhiều thứ do một phần nằm ở trung tâm thành phố và hễ đến ngày rằm tháng 7, ngày Tết, người dân thường xuyên phóng sinh xuống hồ.

PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, hồ Gươm bây giờ quan trọng nhất là hệ vi tảo. Hệ vi tảo này được các chuyên gia quốc tế quan tâm từ những nhưng 60 của thế kỷ trước. Trong đó, một nhà tảo học người Hungary đã thống kê có gần 140 chủng tảo ở hồ Gươm. Sau này, chuyên gia số 1 về tảo Việt Nam Dương Đức Tiến cũng có luận án tiến sĩ bảo vệ ở Nga làm về tảo hồ Gươm cho rằng, hệ tảo của hồ rất phong phú.

Trong đó, có hai nhóm tảo đặc biệt quan trọng là tảo lục - tảo cho màu xanh của hồ và tảo lam - gần với tảo lục nhưng loại tảo này tiết ra nhiều chất độc gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Cho nên muốn giữ được màu xanh của hồ Gươm chính là phải giữ, bảo vệ được tảo lục.

img

Theo các chuyên gia, cải tạo nước hồ Gươm phải lưu ý đến chủng tảo lục - tảo mang lại màu xanh đặc trưng cho hồ.

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, trước khi cải tạo nước hồ Gươm, Công ty Thoát nước Hà Nội có hỏi ý kiến ông về việc cải tạo môi trường nước hồ, ông bảo phải mời được giáo sư Dương Đức Tiến để làm cách nào đó giữ được tảo lục nhằm đảm bảo màu xanh của hồ.

“Cải tạo hồ Gươm quan trọng nhất là giữ được hệ vi tảo, đặc biệt là các chủng tạo lục - mang lại màu xanh đặc trưng mà không một hồ nào của Hà Nội có” - PGS.TS Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Nói về việc bổ cập nước cho hồ Gươm, PGS.TS Hà Đình Đức cho hay, trước đây, ông cũng có đề xuất khoan giếng gần hồ để bổ cập nước, nguồn nước này phải được kiểm tra, xử lý lọc cẩn thận, phù hợp với môi trường sống của hệ thủy sinh, đặc biệt là tảo lục. Ngoài ra, năm 1994, Hà Nội cũng có đề xuất dùng nước từ nhà máy Yên Phụ để cấp nước cho hồ Gươm.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, PGS Trần Đức Hạ phân tích: “Hà Nội cần tập trung nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước trước. Hồ Gươm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô và cả nước, khi cải tạo phải bảo vệ được các thành phần thủy sinh, hệ vi tảo để giữ màu xanh đặc trưng như hiện nay. Theo tôi, nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là tối ưu vì nó có sự tương đồng cao nhất với chất lượng nước hồ”.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Thị Thanh tỏ ra lo ngại: “Việc bổ sung nước vào hồ Gươm mới chỉ đưa ra được một phương án là nước ngầm, theo tôi, cần phải thực nghiệm kỹ xem nước ngầm có phù hợp hay sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tảo trong hồ. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp để nhanh chóng khôi phục sinh thái trong hồ, đảm bảo sinh trưởng bền vững”.

Như Dân Việt đã đưa tin, tại Hội nghị giao ban Báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 28.11, ông Nguyễn Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước HN) cho biết, hiện nay hồ Gươm bị ô nhiễm môi trường quá nặng, lượng bùn rất lớn trung bình khoảng 60-70cm, có nơi lên đến hơn 1m khiến nước hồ rất nông.

Qua khảo sát của Cty, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm bao gồm thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coliform, E. Coli rất cao. Hồ có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài; thành phần động vật nổi có số lượng loài thấp. Không phát hiện loài vi tảo đặc hữu hay quý hiếm trong thời gian khảo sát.

Theo kế hoạch, việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện từ 1.12 đến 7.2.2018; từ 21h đến 5h sáng mỗi ngày (thứ hai đến thứ năm) và từ 24h đến 5h sáng hôm sau (thứ sáu đến Chủ nhật).  

Tất cả các hoạt động nạo vét chỉ được diễn ra trong ranh giới vùng thi công. Hệ thủy sinh sẽ được dùng lướt dồn vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công. Tổng khối lượng nạo vét ở hồ Gươm là 57.400 m3, mỗi ngày khoảng trên 800 m3 bùn đất, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9,7 ha. 

Sau khi nạo vét, Cty sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước Hồ bằng chế phẩm Redoxy – 3C.

Theo Tổng Giám đốc Cty Thoát nước HN, nguồn nước ngầm quanh Hồ rất tốt, hàm lượng sắt thấp nên có thể bổ cập nước hồ. Do đó, dự kiến cty sẽ khoan giếng sâu khoảng 70m tại phố Hàng Khay để bổ cấp nước cho hồ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem