Cải tạo sông Tô Lịch thành “sông Thames”: Cơ hội vàng hay ảo tưởng?

Tố Loan Thứ năm, ngày 06/12/2018 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày gần đây, thông tin một doanh nghiệp có công văn đề xuất được cải tạo lại sông Tô Lịch, biến dòng sông chết thành sông Thames trong xanh như ở nước Anh xa xôi… đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều ý kiến đồng tình và ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến hoài nghi về tính khả thi và cách thực hiện dự án.
Bình luận 0

Viễn cảnh tươi đẹp

Trước hết cần phải nói rằng, đây không phải là dự án lớn đầu tiên để hồi sinh sông Tô Lịch, trước đó UBND TP.Hà Nội đã triển khai rất nhiều dự án quan trọng, nguồn kinh phí đổ xuống dòng sông cũng lên tới hàng trăm triệu USD, nhưng đến nay Tô Lịch vẫn là dòng sông chết.

img

Với mức độ ô nhiễm nặng nề như hiện nay, liệu tham vọng biến sông Tô Lịch thành sông Thames
có thành hiện thực? Ảnh: Lê Hiếu

Thậm chí, người ta đã quá quen và dần thờ ơ với những lời hứa làm sạch dòng sông bởi thời gian để chúng bớt ô nhiễm thôi cũng chỉ tính được… vài ngày rồi đâu lại vào đó. Thế nên, việc một doanh nghiệp đứng ra đề xuất, kiến nghị được cải tạo dòng sông chết với tham vọng biến nó thành sông Thames trong xanh hiền hòa giữa lòng Hà Nội, thì quả thật là chuyện “xưa nay hiếm”.

Trao đổi với báo giới, ông Đàm Văn Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc – đơn vị đề xuất cải tạo dòng sông khẳng định: Doanh nghiệp sẽ cải tạo lại hệ thống thoát nước thải thành hệ thống đi riêng (có tính đến phương án xử lý nước thải trong tương lai). Nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên.

Xây dựng lại hệ thống kè để tiết kiệm không gian, quỹ đất: Hiện tại lòng sông đang sử dụng kè xiên chiếm nhiều diện tích, doanh nghiệp sẽ cải tạo theo hướng kè đứng giúp mở rộng lòng hồ, tăng dòng chảy của nước.

Dự án sẽ cải tạo lại đáy sông, tạo dòng chảy tự nhiên để đảm bảo nguồn nước sạch tạo hệ sinh thái dưới nước. Cùng với đó, sẽ kết nối với sông Hồng, sông Nhuệ… và một số hồ hiện có như Hồ Tây tạo thành dòng đối lưu sông – hồ hài hòa để có thể xử lý thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố.

Khi dòng sông được hồi sinh doanh nghiệp sẽ đề xuất với UBND TP.Hà Nội cho khai thác một phần phục vụ mục đích du lịch đường sông, các dịch vụ như quán cafe nổi. Đương nhiên, việc khai thác này sẽ được chọn lọc cẩn thận, đảm bảo yếu tố cảnh quan, thẩm mỹ và chú trọng tính bền vững môi trường, không nhằm mục đích tận thu.

Có thực sự khả thi?

Ý tưởng và lợi ích của dự án là không thể phủ nhận, tuy nhiên có rất nhiều ý trái chiều xung quanh vấn đề này, thậm chí hoài nghi về tính khả thi của dự án.

Ông Nguyễn Đông Dư-cán bộ hưu trí ở phường Khương Trung cho hay: “Tôi ở cạnh con sông này đã hơn 20 năm nay nên hiểu quá rõ mức độ ô nhiễm của nó. Nếu nói mất 3-5 năm để cải tạo và biến nó trong xanh trở lại thì tôi cho rằng quá viển vông”. Ông Dư dẫn chứng: “Rất nhiều dự án cải tạo, nạo vét con sông này, nhưng gần chục năm nay, Tô Lịch vẫn là dòng sông chết, không hề có dấu hiệu của sự sống”.

Bà Bùi Thị Hương, bán hàng ngay cổng chợ Kim Giang cho biết: “Tôi chẳng tin đâu, trước đây khi TP.Hà Nội mới cho cải tạo xây kè, nạo vét bùn lòng sông thì đoạn qua phường Kim Giang nơi tôi sống tương đối sạch. Nhưng chỉ ít thời gian sau, nước thải chợ chảy ra, các hàng giết mổ trong chợ thường xuyên mang phế thải ra hất thẳng xuống lòng sông, rồi người dân đua nhau xả rác thì dòng sông lại… bốc mùi”.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng-Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - khẳng định: "Các dự án cải tạo, hồi sinh dòng sông là cần thiết, nhưng không được lợi dụng để kinh doanh du lịch, cửa hàng trên sông".

Kết quả quan trắc nước sông Tô Lịch của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường - Sở TNMT Hà Nội tiến hành năm 2013 cho thấy: Lượng ôxy hòa tan (DO) thấp hơn 2 lần so với tiêu chuẩn; lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng dầu, mỡ, hàm lượng amoni (NH4+)… đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nước sông chuyển thành màu đen, có váng, cặn lắng và mùi hôi. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm trầm trọng về cuối nguồn.

Ông Tùng khẳng định, dòng sông sẽ mang lại lợi ích kinh tế mềm như không gian sống trong lành cho người dân, cộng đồng, còn "cải tạo dòng sông là cái cớ để thu tiền là sai lầm trong quy hoạch"- ông Tùng nhấn mạnh.

Liên quan đến chủ trương muốn làm “sống lại” sông Tô Lịch, tại các cuộc họp gần đây nhiều ý kiến đã được đưa ra. Tại buổi làm việc giữa Bộ NNPTNT và Hà Nội ngày 16.2.2017, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải khi đề cập đến vấn đề môi trường đã đồng thuận với nhận định cần tập trung cải tạo, làm “sống lại” 4 dòng sông phía Tây thành phố gồm: Tích, Đáy, Nhuệ, Tô Lịch.

Rồi mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng đã được các ĐBQH “nhắc nhở” về lời hứa trả lại sự trong xanh cho các dòng sông, đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận: "Chúng ta cũng đã có đề án tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, tuy nhiên đến nay cơ chế phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn lực”.

Khả thi hay không, thời gian sẽ trả lời, nhưng nhắc lại để thấy, việc “khoác áo mới” cho các dòng sông ô nhiễm cần được tính toán tỉ mỉ, cẩn trọng. Và dù doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát vẫn thuộc về cơ quan nhà nước, không thể lơ là, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến môi trường.

PGS-TS Phùng Chí Sỹ - Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường:

Chi phí sẽ lên tới hàng trăm triệu USD

Nếu thực sự được phê duyệt và triển khai, đây sẽ là dự án vô cùng có ý nghĩa với người dân Thủ đô nếu không muốn nói là sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo những nơi mà con sông này chảy qua.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế là để thực thi thành công là điều không hề đơn giản. Đã có rất nhiều dự án cải tạo sông Tô Lịch, xây dựng cảnh quan 2 bên bờ sông, rồi hoạt động mà cho đến giờ UBND TP.Hà Nội vẫn đang duy trì là thường xuyên vớt rác, nạo vét bùn ở lòng sông… Thế nhưng về nguyên tắc không chỉ cải tạo sông Tô Lịch mà phải chặn tất cả các nguồn thải ra con sông này. Bước 1 cần phải tách nguồn thải; bước 2 nạo vét kênh cho sạch; bước 3 là giải tỏa 2 bên sông. Như vậy sông sẽ tự động được làm sạch mà không cần phải dùng nhiều giải pháp can thiệp. Chỉ có điều để làm được việc này chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

PGS-TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường:

Nếu thành công Hà Nội sẽ phải đánh đổi điều gì?

Khả thi hay không chúng ta chưa tính tới, cái tôi quan tâm là doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn để thực hiện việc này nhằm mục đích gì? Nói một cách chính xác thì TP.Hà Nội sẽ phải “đánh đổi” điều gì để thỏa mãn doanh nghiệp?

Trong công văn đề nghị, doanh nghiệp cũng không hề giấu ý định sẽ khai thác du lịch để bù vào khoản chi phí đầu tư. Điều này không sai nhưng các cấp quản lý cần cân nhắc, tính toán kỹ. Đã có rất nhiều bài học vì phát triển ngành du lịch không khói mà đánh đổi môi trường, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch của chúng ta đang phát triển nóng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ với tốc độ phát triển hiện nay.

Chưa kể, ý thức của khách du lịch cũng là điều phải bận tâm nếu muốn giữ gìn môi trường. Chúng ta có đầu tư nhiều tiền của đến đâu, sử dụng mọi biện pháp hiện đại đến đâu mà không quản lý, tuyên truyền tốt thì không chỉ riêng sông Tô Lịch, các con sông, ao hồ trên phạm vi thành phố đều không thể “hồi sinh”.

Theo tôi, việc làm trước mắt là cần chặn hết các nguồn thải ô nhiễm đổ ra sông Tô Lịch, rồi sau đó “mơ ước” cao sang gì tính sau. Chúng ta cũng cần nhớ rằng sông Tô Lịch nằm trong hệ thống liên quan tới sông Lừ, sông Kim Ngưu… nên nếu muốn cứu sông Tô Lịch, không thể không tính tới sự sống còn của các dòng sông khác.

Nguyễn Tố (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem