Thu Trang
Thứ sáu, ngày 25/12/2020 08:06 AM (GMT+7)
Tuy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng của Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nhưng những biểu hiện của bất bình đẳng giới như bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, lựa chọn giới tính thai nhi… vẫn còn tồn tại.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam được xác định lần đầu tiên vào năm 2004, và từ năm 2005 việc nghiêng về sinh con trai tăng lên nhanh chóng. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức sinh học vào năm 2000 là 106,2 bé trai/100 bé gái đã lên tới 112,1 bé trai/100 bé gái (năm 2017) 114,8 bé trai/100 bé gái (năm 2018), 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019).
Việc lựa chọn giới tính khi sinh dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới được xác định là nguyên nhân chủ yếu của sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Nhân tố đầu tiên tác động đến hành vi lựa chọn giới tính khi sinh dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới của các cặp vợ chồng là sự ưa thích con trai.
Việc lựa chọn giới tính khi sinh dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới được xác định là nguyên nhân chủ yếu của sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Nhân tố đầu tiên tác động đến hành vi lựa chọn giới tính khi sinh dựa trên cơ sở bất bình đẳng giới của các cặp vợ chồng là sự ưa thích con trai, bắt nguồn sâu xa từ văn hóa truyền thống của nho giáo và hệ thống gia đình phụ hệ.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành các hoạt động, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới nhưng tâm thức ưa thích con trai vẫn phổ biến rộng rãi trong các gia đình và cộng đồng, đặc biệt là ở miền Bắc - nơi có tỷ số giới tính khi sinh cao hơn so với những khu vực khác trong nước.
Một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc về sự ưa thích con trai của nam giới tại Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ giữa trình độ học vấn của người đó và mức độ của sự ưa thích này. Đó là nam giới trong nhóm nghề lao động phổ thông hoặc nông nghiệp chiếm số lượng lớn trong nhóm có sự ưa thích con trai cao hơn. Tâm lý ưa thích con trai cũng phản ánh định kiến giới nặng nề trong xã hội, kéo theo giá trị của con gái bị hạ thấp. Các gia đình vẫn có quan niệm con gái không có quyền được thừa hưởng tài sản và quyền thừa kế trong gia đình bố mẹ đẻ lẫn trong gia đình chồng. Mặc dù luật pháp đã có quy định quyền thừa kế tài sản, quyền chia tài sản của con gái và con trai đều bình đẳng như nhau trong gia đình.
Công nghệ lựa chọn hiện đại, mức sinh giảm
Tại Việt Nam, bên cạnh nguyên nhân chính là sự ưa thích con trai, yếu tố liên quan đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh là khả năng tiếp cận công nghệ xác định giới tính khi sinh và phá thai có chủ đích. Sự phát triển của công nghệ siêu âm hiện đại ở Việt Nam từ sau năm 2000 cùng với các cơ sở nạo phá thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng tốt hơn, giá thành công nghệ thấp hơn đã và đang có tác động tới sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trong thập kỷ vừa qua. Sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân, kèm theo đó là mức sống tốt hơn, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa đã giúp công nghệ xác định sớm giới tính thai nhi và phá thai phổ biến.
Một nguyên nhân khác là do mức sinh giảm. Việt Nam đã dừng ở mức sinh thay thế trong gần một thập kỷ qua, giảm từ 2,25 con/phụ nữ vào năm 2001 xuống còn 2,04 con vào năm 2017. Năm 2019, mức sinh của một số vùng miền như giảm mạnh và không đồng đều giữa cách vùng miền. Việc lựa chọn giới tính khi sinh bằng các công nghệ hiện đại khiến nhiều bậc cha mẹ không có nhu cầu sinh nhiều con khi đã có con trai.
Thách thức chính trong giải quyết vấn đề ưa thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới ở Việt Nam là sự cân bằng giữa đảm bảo thực thi pháp luật trong việc cấm thực hành lựa chọn giới tính thai nhi và bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ.
Nhằm tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức xã hội nhằm giảm sự ưu thích con trai và hạ thấp giá trị của con gái, cũng như hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận hoạt động hỗ trợ pháp lý cho nữ giới. Hiện tại, các quyền thừa kế của phụ nữ Việt Nam thường bị vi phạm. Cần nâng cao kiến thức của người dân về quyền thừa kế của nữ giới và khuyến khích con gái khẳng định, thực hiện quyền của họ đối với tài sản gia đình. Hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ có thể giúp họ đảm bảo các quyền thừa kế của mình.
Giải quyết bất bình đẳng giới với trọng tâm hướng tới giải quyết phân biệt đối xử theo giới trong gia đình. Những thay đổi về nơi cư trú của cặp vợ chồng và tập tục thừa kế có thể nâng cao con gái trong suy nghĩ của cha mẹ và người dân trong cộng đồng. Đồng thời thu hút nam giới xây dựng các thực hành mới trong gia đình và đẩy mạnh sự tham gia của họ trong việc chăm sóc gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.