Cấm chụp ảnh vì "sợ so sánh giá", Bách Hóa Xanh của đại gia Nguyễn Đức Tài có phạm luật?
Cấm chụp ảnh vì "sợ so sánh giá", Bách Hóa Xanh của đại gia Nguyễn Đức Tài có phạm luật?
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 03/08/2021 19:01 PM (GMT+7)
Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu các cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn phải gỡ hoặc che biển báo “cấm chụp hình” trên cửa kính vì cho rằng hành vi này là sai thẩm quyền. Tuy nhiên, tại TP.HCM thì biển báo “cấm chụp hình” ở hệ thống các cửa hàng này vẫn chưa được gỡ bỏ…
Như Dân Việt đã đưa tin, chiều ngày 2/8, Công ty CP thương mại Bách Hóa Xanh đã bị Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định xử phạt 5,6 triệu đồng về các hành vi như không niêm yết giá và hàng quá hạn sử dụng. Đặc biệt, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu các cửa hàng Bách hóa Xanh phải gỡ hoặc dán che lại biển báo "cấm chụp hình" trên cửa kính.
Theo lý giải của ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc Bách hóa Xanh tự ý dán biển "cấm chụp hình" là sai thẩm quyền vì theo quy định của pháp luật, các cửa hàng buôn bán thực phẩm cũng không phải là địa điểm, khu vực được phép cấm chụp hình.
Liên tục dính "phốt", hệ thống Bách Hóa Xanh làm ăn ra sao?
Những ngày gần đây, Bách Hóa Xanh thu hút sự quan tâm của dư luận khi liên tục bị người tiêu dùng "tố" tăng giá giữa mùa dịch bùng phát. Mặc dù doanh nghiệp đã có văn bản gửi đến cổ đông cũng như khách hàng, giải thích lý do về việc tăng giá. Tuy nhiên, lời giải thích vẫn không nhận được sự đồng tình từ phần đông khách hàng mà thay vào đó là hàng loạt làn sóng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này.
Không chỉ tăng giá, tại hệ thống cửa hàng của Bách Hóa Xanh cũng tiếp tục dính "phốt" không niêm yết giá, bán hàng thiếu, bán hàng quá date, bóc lột sức lao động nhân viên…
Trước những vụ việc này, thay vì tìm giải pháp khắc phục, hệ thống Bách Hóa Xanh lại đưa ra biện pháp "cứng" là dán bảng "cấm quay phim, chụp hình" tại các chuỗi cửa hàng. Tất nhiên sau động thái này của Bách Hóa Xanh đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau về vụ việc này. Một số người có ấn tượng xấu về Bách Hóa Xanh ngay lập tức cho rằng chuỗi siêu thị này sợ tiếp tục làm sai nên đã có biện pháp hạn chế việc ghi lại bằng chứng và lo bị "bóc mẽ".
Trở lại với Bách Hóa Xanh, 6 tháng đầu năm 2021, hệ thống cửa hàng này ghi nhận doanh thu hơn 13.360 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Tính riêng trong tháng 6, doanh thu của hệ thống này lập kỷ lục mới hơn 2.700 tỷ đồng, tăng trưởng tới 69% so với cùng kỳ năm trước. Với 1.888 điểm bán trên toàn quốc, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tháng 6 đạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù ghi nhận doanh thu tăng đột biến, đồng thời tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) nhưng chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng bách hóa của Thế Giới Di Động vẫn ghi nhận lỗ ở cấp độ công ty.
"Cấm quay phim, chụp hình" – Bách Hóa Xanh có phạm luật (!?)
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trên thực tế không chỉ có Bách Hóa Xanh cấm quay phim, chụp ảnh mà quy định này khá phổ biến, được áp dụng cho nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Tuy nhiên ở nhiều nơi, do hành động này sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên đôi khi việc này không được nhắc nhở nên đa phần người dân không để ý và cho rằng việc chụp ảnh trong siêu thị, trung tâm thương mại là hoàn toàn được phép nên nếu có những thông báo như vậy sẽ cảm thấy khó chịu.
Trở lại với việc Bách Hóa Xanh ra quy định "cấm quay phim, chụp hình" - liệu rằng các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm thiết yếu có được dán biển cấm chụp hình hay không?
Theo luật sư Lê Bá Thường, thành viên đoàn luật sư TP.HCM, quy định của pháp luật về bảo vệ hình ảnh của cá nhân thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 32 BLDS 2015).
Do đó, luật chỉ quy định không cho phép quay phim hay chụp ảnh của cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người bị chụp ảnh hay quay phim, luật không có quy định về trường hợp không cho phép các khách hàng quay phim hay chụp ảnh về giá bán, tên sản phẩm, hàng hóa được trưng bày bán công khai của một doanh nghiệp.
"Pháp luật chỉ có quy định phải xin phép hoặc bị cấm cũng như hạn chế quay phim, chụp ảnh ở những khu quân sự để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ bí mật nhà nước, không có quy định cấm quay phim chụp ảnh ở các cửa hàng, siêu thị, shop kinh doanh buôn bán trưng bày công khai các hàng hóa", luật sư Lê Bá Thường, cho hay.
Theo luật sư Lê Bá Thường, một doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm như Bách Hóa Xanh thì đâu có gì bí mật, việc kinh doanh phải tuân thủ theo luật cạnh tranh. Cho nên, việc khách hàng muốn chụp hình hay quay phim các bảng giá hay tên hàng hóa để ghi nhớ hay đối chiếu so sánh với nơi khác là việc bình thường.
"Nếu doanh nghiệp cố tình ngăn cản hay cấm quay phim chụp hình thì càng làm cho các khách hàng thêm hoài nghi và mất niềm tin vào doanh nghiệp", luật sư này nói.
Những địa điểm bị "cấm" quay phim, chụp hình
Các quy định phải xin phép chụp ảnh, quay phim, vẽ trong phạm vi các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các công trình kiến thiết cơ bản có tính chất quan trọng trong toàn quốc, thì muốn chụp hình hay quay phim phải được phép của người thủ trưởng hoặc người phụ trách có thẩm quyền ở các nơi ấy.
Đồng thời, cấm chụp ảnh, quay phim, vẽ những khu vực có căn cứ quân sự, có các cơ sở thuộc quốc phòng, các cuộc diễn tập hoặc các hoạt động quân sự. Toàn cảnh khu vực các ga xe lửa, sân bay, hải cảng, các công trình thủy lợi lớn, các cầu dùng cho xe lửa và xe cơ giới, các đường ngầm. Các viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, các nhà máy điện, nhà máy nước, trạm phát điện, trạm biến thế điện lớn, trạm điện tín, đài vô tuyến điện, đài phát thanh. (khoản 2, khoản 3 Thông tư liên bộ 552/CA-VH).
Và các khu vực, địa điểm được quy định là vùng an ninh nên cấm đối với các tổ chức cá nhân không được phép quay phim, chụp hình (Nghị định số 33/2002 của Chính phủ).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.