NTNN - Ngay 5-4, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mêkông quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra tại Huahin (Thái Lan) với sự tham gia của 4 nhà lãnh đạo Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia; các nước đối thoại là Trung Quốc, Myanmar.
Các Thủ tướng cùng cam kết phát triển lưu vực sông Mêkông.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời gian tới, lưu vực sông Mêkông đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển năng động, nhanh chóng ở lưu vực sông Mêkông đang gia tăng sức ép đối với các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước.
Cùng với đó là những tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu và hiểm họa ô nhiễm môi trường. Trên tinh thần này, Thủ tướng nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên đã đề ra trong Tuyên bố chung của hội nghị với chủ đề "Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mêkông" và đề nghị các quốc gia cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Các nhà lãnh đạo 4 nước cũng ghi nhận Tầm nhìn hiện tại của lưu vực sông Mêkông: "Một lưu vực sông Mêkông thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường"; Tầm nhìn của Ủy hội sông Mêkông quốc tế: "Một tổ chức lưu vực sông có tầm cỡ trên thế giới, tự chủ về tài chính, phục vụ cho các quốc gia Mêkông đạt được tầm nhìn của lưu vực".
Đối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc mới đây đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy của sông Mêkông và mong muốn hai nước xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để cùng với tất cả các nước ven sông Mêkông hợp tác sử dụng bền vững và có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước vì sự phồn vinh chung trong khu vực.
Đối với các đối tác phát triển, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để giúp triển khai các hoạt động trên những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Tuyên bố chung của Hội nghị cũng như Chiến lược phát triển lưu vực 2011-2015 của Ủy hội sông Mêkông.
Thủ tướng nhấn mạnh sông Mêkông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam bởi Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sản xuất lúa gạo và nhiều loại nông sản, thủy sản chính, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và nhiều nước khác trong và ngoài khu vực.
Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu của Thủ tướng các nước Thái Lan, Lào và Campuchia đều khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mêkông trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý hiệu quả tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mêkông và đồng ý với những Tuyên bố Huahin, trong đó nhìn nhận về những thành tựu, cơ hội và thách thức, tầm nhìn của Ủy hội sông Mêkông quốc tế, lĩnh vực ưu tiên hành động và định hướng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.